06:09 05/06/2017

Sản xuất quy mô nhỏ nên khó truy xuất nguồn gốc thực phẩm bẩn

Ngày 5/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin Tức ghi nhận ý kiến về vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm này.

Theo đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng): Luật đã quy định phải truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi hàng hóa không đảm bảo an tòan. Thế nhưng, khi cơ quan chức năng phát hiện thực phẩm không đảm bảo thì việc truy xuất rất khó khăn.

"Phần lớn thực phẩm khó truy xuất. Người dân phần lớn mua thực phẩm ở các chợ nhỏ lẻ", đại biểu Yến cho biết.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến trả lời bên lề Quốc hội.

Cũng theo bà Yến, các thông tư liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm của các bộ ngành còn chưa thống nhất. Ngay cả Luật An toàn thực phẩm được ban hành từ năm 2010, có hiệu lực năm 2011 nhưng thông tư phân công trách nhiệm các bộ ngành thì phải tới năm 2013 mới được ban hành. Chưa kể, khi ban hành thông tư vẫn còn nhiều vấn đề giao thoa giữa các Bộ còn vướng mắc.

Trả lời câu hỏi, liệu có phải việc xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn còn nương tay, đại biểu Ngô Thị Kim Yến cho biết: Kiểm tra nhiều, phát hiện nhiều nhưng lại khó xử lí vì: Thứ nhất, hành lang pháp lí, tiêu chuẩn kĩ thuật về quản lý thực phẩm chưa ban hành kịp thời. Thứ hai, năng lực kiểm nghiệm còn hạn chế. Ví dụ, Bộ Nông nghiệp cho phép lưu hành nhiều loại thuốc trừ sâu nhưng năng lực kiểm nghiệm chưa đáp ứng hết.

Thứ nữa, hệ thống kiểm nghiệm còn dàn trải. Ngành y tế có 2 đơn vị có thể kiểm nghiệm, nông nghiệp cũng có đơn vị kiểm nghiệm, chưa kể các phòng xét nghiệm khu vực…

"Luật quy định giao quản lý thức ăn đường phố cho trạm y tế nhưng về nhân lực lại chưa có cán bộ chuyên trách ở tuyến xã phường", bà Yến nói thêm.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội).

Còn đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho biết: Sắp tới Quốc hội sẽ tăng cường giám sát vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, giám sát Quốc hội khác với thanh tra, tức là chỉ đi tìm hiểu thực tế, nguyên nhân để đưa ra nghị trường bàn thảo, đưa thành Luật. Từ giám sát, Quốc hội sẽ có ý kiến với cơ quan chức năng để đưa ra giải pháp.

"Do đó, không thể mong thay đổi ngay lập tức tình trạng thực phẩm bẩn được. Cần có thời gian nhất định. Những cái chúng ta có thể nhìn thấy trên đường, có thể phạt ngay như lấn chiếm vỉa hè, không đội mũ bảo hiểm còn khó xử lý, huống hồ những cái diễn ra trong bếp. Chính phủ cần quyết liệt hơn. Một mặt tuyên truyền ý thức người dân, một mặt nâng chế tài xử phạt", ông Tuấn nêu ý kiến.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức