03:23 15/03/2012

Sản xuất mía đường vụ 2011-2012 - nặng trĩu nỗi lo đầu ra

Tại các tỉnh trồng mía trọng điểm như Tây Ninh, Cần Thơ…, nông dân đang tất bật thu hoạch mía cung cấp cho các nhà máy chế biến đường trên địa bàn. Dự kiến khoảng giữa tháng 3, niên vụ 2011-2012 sẽ kết thúc nhưng hiện rất nhiều nhà máy đang đứng ngồi không yên khi lượng đường tồn kho gia tăng từng ngày.

Tại các tỉnh trồng mía trọng điểm như Tây Ninh, Cần Thơ…, nông dân đang tất bật thu hoạch mía cung cấp cho các nhà máy chế biến đường trên địa bàn. Dự kiến khoảng giữa tháng 3, niên vụ 2011-2012 sẽ kết thúc nhưng hiện rất nhiều nhà máy đang đứng ngồi không yên khi lượng đường tồn kho gia tăng từng ngày.

Thừa lượng đường lớn

Theo đánh giá của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm 2012, sản lượng đường của cả nước có khả năng đạt hơn 1,57 triệu tấn, trong đó các nhà máy sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn, còn lại là lượng tồn kho năm trước và nhập khẩu theo thỏa thuận của WTO. Sau khi cân đối nhu cầu thị trường và mức luân chuyển cuối năm, dự kiến ngành sẽ dư khoảng hơn 70.000 tấn. “Thực tế con số dôi dư cao hơn nhiều do một lượng đường rất lớn nhập lậu vào thị trường. Tại các tỉnh biên giới Tây Nam, theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, mỗi ngày có khoảng 500 tấn đường lậu xâm nhập vào nội địa với giá rẻ hơn từ 10-15%”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội cho biết.

Nhà máy đường Phổ Phong (Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi) vào vụ ép mía. Ảnh: Thanh Long - TTXVN

Theo khảo sát của phóng viên, hiện giá đường trên thị trường đang tiếp tục giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết, trung bình còn 16.000 - 16.500 đồng/kg. Thông tin từ Thái Lan, ước sản lượng đường của nước bạn sản xuất năm nay lên gần 11 triệu tấn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất đường Việt Nam thêm “rối bời” vì nỗi lo không cạnh tranh nổi về giá với đường nhập lậu. Theo tính toán của ngành chức năng, thị trường chỉ cần thừa 50.000 tấn đường đã gián tiếp gây áp lực cho vùng nguyên liệu cũng như giá cả trên thị trường.

Được mệnh danh là “thủ đô” của ngành mía đường, tỉnh Tây Ninh đang vào những ngày cao điểm tất bật với công tác thu hoạch, sản xuất đường. Tính đến thời điểm cuối tháng 2, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đã thu mua và đưa vào chế biến hơn 1,2 triệu tấn mía cây, bằng khoảng 70% tổng diện tích với lượng đường sản xuất được trên 100.000 tấn. “Chúng tôi đang tăng cường thu mua mía nhằm giảm áp lực vào mùa thu hoạch, để chia sẻ khó khăn với người trồng mía. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo là đường sản xuất ra không tiêu thụ hết, giá lại tiếp tục hạ trong khi vẫn phải thu mua với giá cũ để đảm bảo thu nhập cho nông dân. Điều này đang dồn gánh nặng lên đôi vai đơn vị”, ông Nguyễn Việt Hùng, PGĐ Nhà máy đường Biên Hòa - Tây Ninh trăn trở.

Nỗ lực gỡ khó

Bên lề một hội nghị về ngành nông nghiệp được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, cùng với việc tín dụng bị thắt chặt, năm nay, lượng đường tồn kho nhiều sẽ góp phần làm ứ đọng vốn, khiến không ít nhà máy gặp rất nhiều khó khăn về vốn sản xuất. Nhằm giảm áp lực trong khâu lưu thông và tạo điều kiện cho các nhà máy đường quay vòng vốn kinh doanh, Bộ đã đồng ý chủ trương cho xuất khẩu đường với số lượng 100 - 150 nghìn tấn. Do 5 tháng đầu năm là chính vụ sản xuất, lượng đường tồn kho nhiều, việc nhập khẩu 71 nghìn tấn đường trong hạn ngạch thuế quan sẽ triển khai vào các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, Bộ cũng vừa đề nghị Chính phủ cho tạm trữ khoảng 200.000 tấn đường với thời hạn 6 tháng bằng cơ chế cho các doanh nghiệp tăng hạn mức tín dụng tương ứng với số lượng đường tạm trữ.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, nhu cầu sử dụng đường của người tiêu dùng trong nước đạt khoảng từ 1,3 - 1,4 triệu tấn/năm và các doanh nghiệp sản xuất đã cơ bản đáp ứng nhu cầu. Nhìn về lâu dài, theo các chuyên gia kinh tế, các ngành chức năng cần có quy hoạch dài hơi. Hiện những con số tính toán, thống kê của ngành mía đường đã trở nên lỗi thời do thời gian qua, tất cả các nhà máy đường đều mở rộng công suất làm tăng vọt sản lượng đường so với nhu cầu. “Đặc thù của ngành mía đường là chỉ sản xuất có sáu tháng nhưng lượng đường tiêu thụ thì trải dài trong một năm, cho nên nếu Nhà nước không có biện pháp giúp đỡ, chúng tôi khó kham nổi với lãi suất tín dụng như hiện nay. Bên cạnh công tác chống đường nhập lậu lũng đoạn thị trường nội địa, điều chúng tôi quan tâm là có một cơ chế quản lý, điều hành linh hoạt hơn cho ngành”, ông Long nói thêm.

Lê Nghĩa