04:10 14/04/2012

Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL: Khát vọng khẳng định vị thế

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết: “Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt về lúa gạo, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách giúp giải quyết cơ bản, hệ thống những bất cập phát sinh.

Bài cuối: Chung sức vì thương hiệu gạo Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết: “Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt về lúa gạo, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách giúp giải quyết cơ bản, hệ thống những bất cập phát sinh. Cùng với sự nhập cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính bản thân nhà nông… tôi tin ngành lúa gạo sẽ có tương lai tươi sáng”.

Tăng cường liên kết...

Nhận thức tầm quan trọng trong việc xây dựng và triển khai mối liên kết giữa các bên trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng, ngay từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 80/2002/QĐ-TTg với nội dung khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa với nhà nông. Theo đó, đến năm 2005 ít nhất 30% và năm 2010 có trên 50% lượng nông sản hàng hóa của một số ngành sản xuất hàng hóa lớn như lúa gạo được tiêu thụ thông qua hợp đồng.

Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” qua việc liên kết giữa 4 nhà ở tỉnh Đồng Tháp đang được kỳ vọng là lối ra của sản xuất lúa gạo bền vững.

 
Tuy nhiên, sau những thành công bước đầu, đến nay việc thực hiện mối liên kết này, vì nhiều lý do, đã không đem lại kết quả như mong muốn. Thực tế này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải rà soát thay thế chính sách này bằng một chính sách khác mang tính chất khả thi hơn.

Trong Chiến lược 2020 – 2030 của Chính phủ về an ninh lương thực trong tình hình mới, vấn đề tìm kiếm giải pháp thích hợp trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thông qua liên kết vùng với sự tham gia của 4 nhà tiếp tục được đặt ra. Tại tỉnh Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL đang phối hợp với các ngành chức năng triển khai đề án “Giải pháp sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thông qua liên kết và sự tham gia của 4 nhà”. Theo Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL - TS Lê Văn Bảnh, mục tiêu của chương trình là nâng cao năng lực và gắn chặt các mối liên kết nhằm gia tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL một cách bền vững. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh lúa gạo chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của hội nhập kinh tế thế giới và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Sản xuất lúa gạo của Việt Nam nói chung và các tỉnh ĐBSCL nói riêng vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Chính điều này đang dẫn đến nhiều khó khăn như: Việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ít khả thi; doanh nghiệp chế biến hoặc bao tiêu sản phẩm khó có thể ký kết hợp đồng liên kết với hàng chục hộ nông dân với quy mô sản xuất, trình độ canh tác khác nhau… “Sản xuất như hiện nay của đại bộ phận nhà nông làm hạn chế khả năng áp dụng khoa học và tiến bộ kỹ thuật nên khó có được chất lượng sản phẩm đồng đều, giá bán sản phẩm cũng không được như mong muốn. Ngoài ra còn làm hạn chế khả năng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời cản trở việc xúc tiến đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến nông sản”, ông Tần nhận định.

Sắp xếp chuỗi cung ứng

Tại hội thảo “Kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng đối với một số mặt hàng thiết yếu” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, TS Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho rằng nội tại chuỗi cung ứng của nhiều mặt hàng thiết yếu, trong đó có lúa gạo còn tồn tại nhiều yếu điểm, đặc biệt là sự liên kết giữa các mắt xích trong chuỗi lỏng lẻo đã dẫn đến những bất ổn về cung cầu và giá hàng hóa cũng như khả năng kiểm soát. Thêm vào đó, các bất ổn của giá lúa gạo đang khiến người trồng lúa không yên tâm sản xuất, gây ra ảnh hưởng lớn đến chiến lược XK gạo lâu dài và an ninh lương thực quốc gia. “Thực tế cho thấy nếu như trong chuỗi cung ứng lúa gạo có sự liên kết chặt chẽ từ cung ứng vật tư, sản xuất, thu gom, phân phối, XK thì với năng lực sản xuất lúa của người dân như hiện nay họ sẽ có cuộc sống khấm khá hơn”, ông Quyền nhấn mạnh.

Trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến sự bền vững của chuỗi theo ý kiến của nhiều người trong cuộc là không có quyết tâm đủ mạnh của 3 thành phần nòng cốt bao gồm: nhà nông, doanh nghiệp và Nhà nước. Theo đó, cần phải có một chương trình đồng bộ, dài hơi, trong đó doanh nghiệp phải có thị trường ổn định, Nhà nước mạnh dạn ban hành chính sách khuyến khích và nông dân phải khắc phục tập quán canh tác cũ, học tập trở thành nông dân đổi mới, tuân thủ theo qui trình kỹ thuật… “Một chuỗi cung về cơ bản bao gồm các khâu: sản xuất, chế biến và phân phối phải kết nối chặt chẽ và có tính chất tương hỗ với nhau. Có thể nói đây là con đường tất yếu đưa đến sản xuất và tiêu thụ ổn định, từng bước nâng cao chất lượng và uy tín của mặt hàng lúa gạo trên thị trường nội địa lẫn XK. Tuy nhiên, để các chuỗi liên kết đi vào hoạt động ổn định và bền vững, các ngành chức năng cần sớm có những giải pháp mang tính chiến lược cũng như giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia”, ông Đỗ Văn Nam – Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa