07:17 08/07/2020

Sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh - Bài 2: Tăng cạnh tranh cho công nghiệp hỗ trợ

Trước nhu cầu cấp thiết nâng cao nội lực sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cũng như tăng tính cạnh tranh cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nội địa, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực "bắt cầu" cho nhà cung cấp nội địa tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp ngoại.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm cơ khí chính xác được sản xuất tại Công ty CP công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Đặc biệt, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng, tác động đến toàn bộ nền sản xuất toàn cầu dựa trên sự phát triển "vượt bậc" của công nghệ số đòi hỏi tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hội nhập hơn.

Nhận diện cơ hội

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhà đầu tư đa quốc gia bị gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu từ đầu năm 2020 đến nay và có nhu cầu tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa, các chuyên gia nhận định, đây là cơ hội lớn chưa từng có để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng trong khu vực, có khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu ở một số lĩnh vực và những nhà cung cấp nội địa cũng đang không ngừng nỗ lực cải thiện năng lực hội nhập trong thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban quản lý khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ở giai đoạn hiện tại và sắp tới, khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, hoạt động kết nối nhà cung cấp nội địa với doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư ngoại đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy và hiện đại ngành công nghiệp hỗ trợ i tại Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung

Theo ông Nguyễn Anh Thi, phát triển công nghệ cao rất quan trọng đối với khu công nghệ cao nói riêng và Tp. Hồ Chí Minh nói chung. Trong đó, Chính phủ, cũng như UBND Tp. Hồ Chí Minh đã đưa ra những đột phá về thể chế, nguồn nhân lực chất lượng và phát triển hạ tầng công nghệ, với những mục tiêu cụ thể là tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông...

Đơn cử, đối với giải pháp đột phá về hạ tầng công nghệ, đòi hỏi các bộ, ngành và chính quyền địa phương chú trọng dẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hình thành chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp phát triển. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực hạ tầng như điện, viễn thông... được xác định là những thách thức đối với nhiều khu chế xuất - khu công nghiệp trong thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Ghi nhận trong thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà cung cấp trong ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển và hình thành chuỗi cung ứng. Trong đó, có thể kể đến thành phố đã có những giải pháp về hỗ trợ vốn, kết nối giao thương, khảo sát thị trường...

Dẫn chứng cụ thể, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh cho hay, vừa qua, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành đồng loạt các cơ chế chính sách như hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm với mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án. Hay chương trình kết nối cung cầu sản phẩm giữa doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh với doanh nghiệp đầu cuối, công ty FDI, nhà đầu tư ngoại...

Còn về phía doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư ngoại khi tìm kiếm và xây dựng chuỗi cung ứng nội địa trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, luôn cam kết hỗ trợ nhà cung cấp nội địa thực hiện sản xuất tinh gọn (LEAN), cải tiến quy trình kiểm soát; đưa ra giải pháp đánh giá nhà cung cấp, thiết kế và triển khai hệ thống quản lý chất lượng, thiết kế hệ thống tự động, phát triển nhà cung cấp cấp 2... Đồng thời, với sự trợ lực của doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư ngoại, nhà cung cấp nội địa sẽ vượt qua thách thức về kiểm soát chất độc hại, môi trường và an ninh nhà máy...

Chủ động nắm bắt thời cơ

Theo doanh nghiệp trong khu công nghệ cao, bắt đầu từ cuối tháng 4/2020, đa số đơn vị sản xuất đều tiếp tục thực hiện mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh, ổn định trạng thái bình thường mới cho người lao động. Chính vì vậy, trong tháng 5/2020, giá trị sản xuất sản phẩm công nghê cao của khu công nghệ cao đạt 1.609,9 triệu USD, tăng 5,38% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 1.526,4 triệu USD, tăng 10,7% và giá trị nhập khẩu đạt 1.107,5 triệu USD, giảm 28,59%. Những con số này được cho là tín hiệu tích cực trong bối cảnh sản xuất công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh đang gặp nhiều thách thức không nhỏ để duy trì hoạt động cho doanh nghiệp

Báo cáo của Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới sẽ luôn nâng cao cảnh giác khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc giá, chưa có vaccine và phối hợp với đơn vị chuyên ngành theo dõi kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết khó khăn. Đồng thời, Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh cũng tiếp tục triển khai hoạt động ươm tạo, thương mại hóa sản phẩm, đào tạo... cho doanh nghiệp.

Ở góc độ nhà đầu tư đang tìm kiếm nhà cung cấp, nguồn nguyên liệu nội địa, ông Nate Easter, Phó Chủ tịch Điều hành công ty Techtries Industries (TTi) cho rằng, cũng như nhiều doanh nghiệp FDI khác hoạt động tại Việt Nam, TTi mong muốn tận dụng được mạng lưới nhà cung cấp nội địa, nhất là ở Khu công nghệ cao tại Tp. Hồ Chí Minh. Hiện tại, TTi có chiến lược phát triển nhà máy tại Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, trong đó dự báo Tp. Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa của TTi Việt Nam và xuất khẩu đến nhiều thị trường khác, cũng như phục vụ khách hàng toàn cầu.

Lý giải nguyên nhân lựa chọn đầu tư vào Việt Nam, ông Nate Easter cho biết thêm, Việt Nam đang là quốc gia có chi phí sản xuất cạnh tranh như lao động, vật tư, điện, tài chính... Cùng với đó, Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng có khả năng đáp ứng nhà đầu tư nước ngoài, chi phí vận hành doanh nghiệp thấp hơn nhiều quốc gia châu Á và trên thế giới.

Hiện tại, Việt Nam cũng có nhiều cơ chế chính sách ưu tiên về lĩnh vực hải quan, phê chuẩn nhanh chóng đối với dự án tại khu công nghệ cao, hỗ trợ chuyên gia quốc tế về Việt Nam, hỗ trợ vốn cho nhà cung ứng nội địa Việt Nam... Điều quan trọng là kỳ vọng nhà cung cấp tham gia chuỗi cung ứng cho TTi sẽ được hỗ trợ vốn từ những cơ chế chính sách dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Nhìn chung tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, khi doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường sẽ luôn có những hỗ trợ nhất định để xây dựng nhà cung cấp tham gia chuỗi cung ứng của hộ, cũng như nâng cao giá trị nhà cung cấp nội địa trong chuỗi giá trị chung bên cạnh sự triển khai chiến lược đồng hành cùng nhà cung cấp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tận dụng được cơ hội hay không còn đòi hỏi sự nỗ lực của nhà cung cấp nội địa, trong khi trên thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang có một số rào cản nhất định.

Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư ngoại hay chuỗi giá trị toàn cầu, nhà cung cấp nội địa phải đáp ứng chiến lược phát triển bền vững. Bởi hiện nay, hầu hết doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư ngoại đã và đang tái định hình hoạt động bền vững để nó trở thành một năng lực cốt lõi bằng cách tuân thủ biện phát hiệu quả nhất về môi trường, lao động và quản trị (ESG).

Trong đó có thể kể đến các nguyên tắc và biện pháp thực hiện hoạt động bền vững áp dụng cho toàn bộ hoạt động, chuỗi cung ứng và sản phẩm, với ưu tiên tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm, bảo tồn, tái sử dụng và tái chế tài nguyên, tạo môi trường làm việc an toàn, tôn trọng nhân quyền và tuân thủ pháp luật. Chính vì vậy, doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư ngoại luôn kỳ vọng tại Việt Nam sẽ phát triển được chuỗi cung ứng và nhà cung cấp nội địa đáp ứng được những yêu cầu nêu trên.

Bài cuối: Bắt nhịp với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Mỹ Phương (TTXVN)