10:07 08/10/2014

Sẵn sàng cho “sân chơi” các hiệp định kinh tế

Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị ký Hiệp định thương mại tự do EU và sau đó là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng hàng loạt các hiệp định thương mại trong khối ASEAN sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015...

Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị ký Hiệp định thương mại tự do EU và sau đó là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng hàng loạt các hiệp định thương mại trong khối ASEAN sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015... Theo đó, DN cần có sự chủ động chuẩn bị trước khi hội nhập với “cuộc chơi mới”.

Áp lực cạnh tranh

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú, cho biết nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang vào Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm nhằm đón đầu TPP. Đây là những doanh nghiệp FDI có thế mạnh về vốn và công nghệ. Do đó, có khả năng DN sản xuất sợi, vải trong nước sẽ bị cạnh tranh không chỉ về xuất khẩu mà còn cả về cung ứng cho nội địa. Ngoài ra, DN FDI cũng có thế mạnh về vốn nên sẵn sàng trả lương cao để thu hút kỹ sư giỏi, nhân lực có tay nghề từ các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, bên cạnh những thuận lợi về giảm thuế, TPP cũng đem lại rủi ro cạnh tranh về thị trường và nguồn nhân lực.


Các doanh nghiệp sợi, vải trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt khi các hiệp định thương mại trong khối ASEAN có hiệu lực. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Chính vì vậy, Phong Phú cũng phải chuẩn bị bằng việc mở rộng đầu tư dệt kim với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn; đồng thời đầu tư nhà máy sợi với quy trình công nghệ và chỉ số sợi cao hơn, chất lượng tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cụ thể, Phong Phú dự kiến đầu tư mở rộng một dây chuyền dệt kim tại Nha Trang với vốn đầu tư 400 tỉ đồng vào năm 2015 để cung cấp vải dệt kim cho thị trường trong nước; đồng thời hợp tác với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn xây dựng hạ tầng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân để phục vụ cho sản xuất dệt nhuộm. Dự kiến 2015 -2016, Phong Phú sẽ đầu tư một dây chuyền kéo sợi 20.000 cọc sợi, sản xuất sợi 100% cotton chải kỹ, với sản lượng ước 3.200 tấn/năm. Năm 2018 -2019, đầu tư một nhà máy kéo sợi 20.000 cọc chuyên dùng cho vải dệt kim cao cấp.

Không chỉ các DN dệt may mà những DN ở các lĩnh vực khác cũng phải đương đầu với thách thức khi gia nhập TPP, EU… Nhiều DN cho biết đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước để nâng cao sức cạnh tranh cho DN. “Cụ thể là chúng tôi đã tái cấu trúc lại DN, đánh giá lại nguồn lực và có một chiến lược nhất định, rõ ràng. Đó là thực phẩm phải được truy xuất nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng, cũng như giá cả và năng suất”, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng cho rằng, để chuẩn bị cho sự hội nhập mới, ngân hàng OCB đã làm một cuộc tái cấu trúc rất quan trọng từ nhiều năm trước. “Từ một ngân hàng phần lớn cổ đông là DN nhà nước, đến năm 2010 đã chính thức trở thành Ngân hàng thương mại cổ phần. Sau năm 2010, chúng tôi cùng với đối tác đã hoạch định chiến lược dài hạn, trong đó có định hướng khách hàng mục tiêu là ai, những sản phẩm chủ lực và sự đổi mới về kênh phân phối, công nghệ, nguồn lực và hệ thống quản lý”, ông Tùng cho biết.

Cần chính sách hỗ trợ hoàn chỉnh

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thành công hay thất bại của DN “nội” phần lớn là do chính sách của Chính phủ. Vì thế, hầu hết các DN đều mong muốn các văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn cần có thời gian hiệu lực rộng hơn. Bởi nếu có hiệu lực ngay hoặc chỉ sau một thời gian ngắn kể từ ngày ký, đôi khi DN không kịp trở tay.

Ông Trần Đỗ Liêm, PCT Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm, cho rằng nhiều chính sách từ lúc ban hành cho đến lúc triển khai đến từng địa phương, DN rất chậm. Theo đó, thông tin xuống đến DN thường bị “nguội lạnh” và không tạo động lực cho DN. “Nguyên nhân chính là đội ngũ làm công tác thực hiện chính sách có vấn đề, không triển khai đầy đủ thông tin và làm khó DN…. Chính vì vậy, 80 - 90% DN tại Tiền Giang vẫn chưa nắm hết được đầy đủ thông tin về các hiệp định TPP, EU… Do đó, Chính phủ nên cung cấp nhiều thông tin thiết thực hơn liên quan đến DN để DN có bước chuẩn bị tốt hơn trước khi hội nhập. Bởi sau khi các hiệp định ký rồi mới công bố thông tin, DN sẽ mất thêm nhiều thời gian dài để chuẩn bị”, ông Liêm nói.

Hiện nay, các DN nhỏ và vừa, đặc biệt DN tư nhân vẫn còn nhièu lo ngại về áp lực hội nhập. Bà Lê Thị Thu Lai, Giám đốc Công ty TNHH mỹ nghệ Hương Quê (chuyên sản xuất đũa sạch), chia sẻ: “Tuy nhận được nhiều giải thưởng, chứng nhận của Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa thể vươn lên mạnh mẽ, thậm chí còn bị chèn ép ngay tại thị trường nội địa. Vì thế, DN mong muốn Chính phủ phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, bảo đảm minh bạch và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh để hỗ trợ DN”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thành viên Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng cho rằng hiện DN vừa và nhỏ tại Việt Nam chiếm 80%, trong khi đó DN thực sự lớn chỉ chiếm trên đầu ngón tay. Điều này cho thấy, DN Việt Nam vẫn còn rất yếu và thiếu sự liên kết. Để bắt đầu cuộc chơi mới với nhiều thách thức và cạnh tranh, bên cạnh sự minh bạch về thông tin, chính sách hỗ trợ cho DN, bản thân DN cũng cần có sự thay đổi về nhận thức và tư duy. Đặc biệt, cần có sự liên kết giữa các DN để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bước đường hội nhập mới này.


Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Trong cơ hội có thách thức và trong thách thức có cơ hội

Ngành xuất khẩu nông sản có thể được lợi nhưng việc nhập khẩu những nông sản từ các nước thành viên TPP sẽ là thách thức đối với các nhà sản xuất và phân phối nông sản của Việt Nam. Hay những mặt hàng xuất khẩu có cơ hội để được tiếp cận thị trường nhập khẩu với những ưu đãi hơn, chẳng hạn như thuế và các biện pháp thuận lợi hóa thương mại. Tuy nhiên, DN cũng gặp nhiều thách thức, chẳng hạn như các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật (TBT), về vệ sinh dịch tễ (SPS), tiêu chuẩn xuất xứ, các biện pháp phòng vệ thương mại... Đối với các dịch vụ ở trong nước, cạnh tranh sẽ xảy ra gay gắt hơn và phải phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để DN tái cấu trúc lại doanh nghiệp. 


Bà Lê Thanh Thúy, Trưởng Văn phòng giới thiệu sử dụng lao động, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh:

Gia nhập hiệp định TPP và EU sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người lao động

Khi gia nhập các hiệp định sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia công tác bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, sẽ có xu thế chuyển dịch lao động giữa các nước tham gia, điều này tạo thách thức lớn trong đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ không đủ sức cạnh tranh sẽ phải giải thể. Như vậy, có khả năng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên. Trước thách thức đó, các ngành liên quan cần tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đủ năng lực cạnh tranh. Song song đó, cần thành lập trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động quốc gia để cung cấp thông tin về nhu cầu, định hướng của thị trường lao động sát với thực tế, giúp người lao động và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời xu thế chung, từ đó doanh nghiệp xây dựng chiến lược hoạt động tốt hơn.





Hải Yên