04:11 29/04/2021

Sản phụ gian dối yếu tố dịch tễ sẽ bị xử lý hành chính hay hình sự?

Dư luận xã hội hết sức phẫn nộ với trường hợp 2 mẹ con sản phụ nhập cảnh trái phép từ Campuchia đến Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) chữa bệnh nhưng không khai báo yếu tố dịch tễ khiến 40 nhân viên y tế phải cách ly, xét nghiệm khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Người dân cần tuân thủ nghiêm việc khai báo y tế để tránh lây lan bệnh COVID-19. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức sáng 29/4 về đối tượng vi phạm là sản phụ, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Nhập cảnh trái phép vẫn bị xử phạt theo quy định bình thường. Hiện chưa có căn cứ xác định hành vi vi phạm đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự trường hợp trên thì việc xử phạt hành chính sẽ được áp dụng”.

Trước đó, 2 mẹ con sản phụ nhập cảnh trái phép vào An Giang đã đến Bệnh viện Từ Dũ TP.Hồ Chí Minh để chữa bệnh do sản phụ mang thai 32 tuần bị xuất huyết âm đạo. Tuy nhiên phải đến 6 ngày sau, hai người này mới khai báo nhập cảnh trái phép. Do không khai báo yếu tố dịch tễ ngay ban đầu nên 40 nhân viên y tế của Bệnh viện Tư Dũ phải cách ly, xét nghiệm.

Theo luật sư Hoàng Tùng, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng nghiêm trọng trên thế giới, đặc biệt là với những biến thể và tác hại ngày một khôn lường. Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng kiểm soát dịch bệnh, chữa trị tốt và là một Quốc gia an toàn nhất hiện nay. Điều này khiến cho nhiều người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài muốn về, muốn đến Việt Nam. Tuy nhiên, do chính sách quản lý chặt chẽ để phục vụ phòng chống dịch bệnh nên đã xuất hiện tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng những con đường tiểu ngạch, không đúng quy định của pháp luật.

Theo Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào nhập cảnh trái phép sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000; phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi nếu người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan.

Đối với trách nhiệm hình sự, Điều 347 Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:“Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Tuy nhiên, hành vi xuất nhập cảnh trái phép mà gây lây truyền dịch bệnh còn bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

"Hiện nay TP.Hồ Chí Minh có tình trạng người bệnh nhập cảnh trái phép, sau đó đi trên các chuyến xe công cộng hoặc thuê xe riêng đến các cơ sở y tế để khám bệnh. Ngành y tế khuyến cáo các cơ sở y tế, kể cả các phòng khám nhỏ, phòng mạch tư và người dân tiếp tục đề cao cảnh giác, nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép kịp thời thông báo xử lý theo quy định", Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) cảnh báo. 

Đại diện HCDC khẳng định, những người có thân nhân sống ở Campuchia muốn về Việt Nam khám chữa bệnh cần tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, quy định cách ly nhằm tránh lây nhiễm COVID-19. Trong trường hợp là người nhập cảnh đã hoàn tất thời gian cách ly sẽ được khám chữa bệnh theo quy định, còn với người bệnh nhập cảnh chưa được cách ly sẽ được đưa vào khu cách ly tạm của cơ sở khám chữa bệnh. Sau khi tiến hành các quy trình cách ly, lấy mẫu xét nghiệm người bệnh sẽ tiếp tục được chữa trị bệnh.

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.