11:19 20/11/2011

Sản phẩm cói Nga Sơn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Sản phẩm cói của Nga Sơn (Thanh Hóa) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công Nghệ) cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ủy ban nhân dân huyện Nga Sơn là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý "Nga Sơn", khu vực địa lý gồm các xã Nga Liên, Nga Tân, Nga Thủy và Nga Thanh.

Sản phẩm cói của Nga Sơn (Thanh Hóa) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công Nghệ) cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ủy ban nhân dân huyện Nga Sơn là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý "Nga Sơn", khu vực địa lý gồm các xã Nga Liên, Nga Tân, Nga Thủy và Nga Thanh. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển mạnh sản phẩm cói, đồng thời khẳng định chất lượng của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.


Nông dân Nga Sơn đang thu hoạch cói. Ảnh: Internet



Nga Sơn (Thanh Hóa) là nơi nổi tiếng về trồng cói, cây cói đã được trồng ở Nga Sơn từ lâu đời và là cây chủ lực trong cơ cấu phát triển nông nghiệp của huyện. Sản lượng cói ở Nga Sơn lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 30%. Cây cói ở Nga Sơn khi tươi thân cói màu xanh mướt, bóng mượt, sau khi thu hoạch sợi cói có màu trắng đẹp, dai và bền. Sản phẩm từ sợi cói bóng đẹp, sợi nhỏ và đều.

Đặc biệt là có sản phẩm cây cói dài, đạt trên 1,45m- là loại cói chuyên dùng để dệt nên những tấm chiếu vừa đẹp và bền- ít có nơi nào trồng được. Sản phẩm chiếu cói Nga Sơn xưa là một trong những vật cung tiến triều đình, được các bậc vua chúa và giới quý tộc ưa dùng. Ngày nay, ngoài mặt hàng chiếu truyền thống, cây cói ở Nga Sơn đã được người dân sản xuất thành những sản phẩm hấp dẫn khác được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước yêu thích như: giỏ, làn, bình hộp, chiếu du lịch...

Hiện nay, cây cói ở Nga Sơn được trồng tại 8 xã với tổng diện tích trên 1.400ha. Hàng năm sản lượng cói ở Nga Sơn ước đạt từ 23.000 tấn -24.000 tấn, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp từ cây cói ở Nga Sơn đạt từ 180 đến trên 200 tỷ đồng. Để phát triển cây cói và các sản phẩm từ cói, huyện Nga Sơn đã và đang đẩy mạnh đầu tư thâm canh, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cói và đầu tư phương tiện sản xuất cói hiện đại.

Đến nay toàn huyện đã có 3 công ty và 10 xí nghiệp, hợp tác xã chuyến sản xuất, kinh doanh mặt hàng chiếu cói và các sản phẩm từ cói; có 35% số hộ chuyên sản xuất các sản phẩm từ cây cói, riêng mặt hàng chiếu cói mỗi năm Nga Sơn cung cấp cho thị trường hơn 2 triệu lá chiếu. Huyện Nga Sơn phấn đấu đến năm 2015 nâng năng suất cói đạt từ 9-9,5tấn//ha/vụ và sản lượng ước đạt 26.000-27.000 tấn/năm.

Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã có 2 sản phẩm được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là mắm tôm "Hậu Lộc" và cói "Nga Sơn".


Nguyễn Mai Hương