05:22 12/05/2015

Sân khấu dành cho khán giả trẻ của Đức như tôi biết

Nhiều nước đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với sân khấu dành cho khán giả trẻ. Trên thực tế, chúng ta có sự quan tâm, đầu tư tương đối thích đáng của Chính phủ, chính quyền địa phương ở một số nơi như Cung Thiếu nhi ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các câu lạc bộ…

Tham dự “Festival Augenblick mal” (Liên hoan sân khấu thiếu nhi Đức) từ 21-27/4, lễ kỷ niệm 50 năm thành lập “Hiệp hội sân khấu dành cho khán giả trẻ và trẻ em” (Assitej) vào đêm 22/4, đồng thời có hành trình tới Nhà hát các thế hệ trẻ Dresden, một trong những nhà hát có truyền thống lâu đời, đồng thời hiện đại bậc nhất Đức (từ 27/4-1/5); đã tạo cơ hội cho giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam Trương Nhuận tiếp cận với cách làm sân khấu cho giới trẻ của thế giới; đồng thời mở ra cơ hội cho anh có thể áp dụng vào hoạt động của Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT), nhằm nâng tầm cho hoạt động sân khấu phục vụ khán giả trẻ Việt Nam.

Báo Tin Tức xin giới thiệu bài viết của anh về hành trình này.


Bài 1:

Sự đầu tư của Chính phủ Việt Nam cho thiết chế văn hóa là ước mơ của nhiều nước


Đây là lần thứ hai tôi đến với một liên hoan sân khấu của Đức. Hai năm trước, Bộ Ngoại giao Đức và Viện Goethe đã mời tôi, cùng đại biểu của rất nhiều nước trên thế giới, dự Liên hoan sân khấu kịch đương đại Berlin lần thứ 50, diễn ra tại Thủ đô Berlin. Trong lần đầu tham dự ấy, tôi đã rất ấn tượng về những vở diễn sân khấu đương đại, về những đề tài xã hội mà sân khấu Đức đề cập đến một cách trực diện, về sự sáng tạo trong phong cách nghệ thuật, những bài học kinh nghiệm trong việc xử lý không gian sân khấu, cũng như trong cách làm rất chuyên nghiệp về việc PR các tác phẩm, cách thức lôi kéo khán giả trẻ đến với sân khấu đương đại Đức…


Tác giả gặp gỡ các đồng nghiệp Assitej tại Berlin.


Lần thứ hai này cũng là một cơ duyên rất may mắn, khi tôi được mời tham dự “Festival Augenblick mal” (Liên hoan sân khấu thiếu nhi Đức), là một trong những liên hoan sân khấu ở Đức dành cho khán giả trẻ, được tổ chức 2 năm/ lần, tại Berlin. Năm nay cũng là  kỷ niệm 50 năm thành lập “Hiệp hội sân khấu dành cho khán giả trẻ và trẻ em thế giới”, lễ kỷ niệm cũng được tổ chức tại Berlin. Hai sự kiện lớn này được Trung tâm Assitej Đức đăng cai, phối hợp với Trung tâm Assitej Thế giới. Với tư cách là đại diện Trung tâm Assitej Việt Nam; tôi đã được mời tham dự.


Giám đốc Trương Nhuận và Họa sĩ Doãn Bằng tại Festival Augenblick mal


Bên cạnh đó, Viện Goethe tại Hà Nội, qua quá trình cộng tác, làm việc với NHTT, ghi nhận những sự thành công của vở “Vòng phấn Kavkaz” được dàn dựng năm 2014, đã quyết định nối một nhịp cầu quan hệ mới, để chúng tôi tiếp tục dự án hợp tác năm 2015 là xây dựng một vở kịch thiếu nhi hợp tác giữa các nghệ sĩ của Đức và Việt Nam. Tôi phải cám ơn bà Viện trưởng Viện Goethe ở Hà Nội, TS Almuth Meyer- Zollitsch, đã rất tán thành, ủng hộ cho dự án. Chính bà Viện trưởng đã kết nối và tìm cho NHTT đối tác là Nhà hát các thế hệ trẻ ở Dresden. để dàn dựng vở diễn được phỏng theo tác phẩm truyện cổ tích của Grim là “Ông lão đánh cá và con cá vàng”.


Lý do dự án này được triển khai ở Dresden, bởi ở Đức, Dresden là thành phố rất đông cộng đồng người Đức gốc Việt, cùng với  trẻ em Việt, các thế hệ người Việt Nam thứ 2, thứ 3, sinh ra và lớn lên ở Đức, họ đang có sự hòa nhập cộng đồng; nhưng vẫn quyết tâm tạo dựng và giữ riêng bản sắc văn hóa của dân tộc. Việc Viện Goethe chọn NHTT là đối tác dàn dựng một vở kịch thiếu nhi có sự phối hợp nghệ sĩ giữa hai nước Việt Nam và Đức, có ý nghĩa sâu xa là như vậy.


Một vở diễn thể nghiệm tại Festival Augenblick mal


Và như vậy, theo lời mời của BTC và được sự hỗ trợ của Viện Goethe tại Hà Nội, từ ngày 21/4-27/4, tôi và họa sĩ Doãn Bằng- trưởng phòng nghệ thuật của NHTT, đã tới dự Festival và lễ kỷ niệm. Trong suốt thời gian dự Liên hoan, chúng tôi được xem khoảng 12 vở diễn. Các vở diễn này rất đa dạng về mặt phong cách nghệ thuật, có vở diễn thể nghiệm dưới góc độ hình thể, có vở diễn gần như không có lời thoại mà chỉ có phần âm nhạc và sự diễn tả bằng hình thể của các nghệ sĩ. Cũng có những vở diễn mà các nhóm nghệ sĩ ở nước ngoài và các nghệ sĩ Đức cùng phối hợp trình diễn. 12 vở diễn này được biểu diễn tại 6 sân khấu khác nhau; trong đó có 3 sân khấu nhỏ chỉ chứa lượng khán giả khoảng 150-200 người và là sân khấu ba chiều, giống như sân khấu 5B Võ Văn Tần (TP Hồ Chí Minh). Cũng có những vở diễn hoành tráng, với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, diễn viên, diễn ra ở những sân khấu hộp lớn, với sức chứa tới 500 - 600 khán giả.


Có khoảng hơn 200 nghệ sĩ diễn viên, đến từ 73 quốc gia, tham gia Liên hoan. Nhiều nước tham dự với cả một đoàn, nhóm nghệ thuật; cũng có nước chỉ đi từ 1-3 người. Sự hiện diện của Trung tâm Assitej Việt Nam ở một Liên hoan như thế này cũng giúp ích cho chúng tôi được chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động biểu diễn dành cho khán giả trẻ với các đồng nghiệp Quốc tế. 


Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập “Hiệp hội sân khấu dành cho khán giả trẻ và trẻ em” (Assitej)


Trong thời gian ở tại Berlin, chúng tôi còn tham dự cuộc hội thảo giữa các nghệ sĩ hoạt động về sân khấu dành cho khán giả trẻ ở các nước, với 2 chủ đề. Chủ đề thứ nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, sâu khấu cần có những vở diễn phản ánh chung những đề tài mang tính chất toàn cầu hoặc có giá trị phổ quát của nhân loại, những vấn đề về thảm họa môi trường, vấn đề xung đột giữa các thế hệ trong gia đình, là những vấn đề mang tính chất chung, toàn cầu. Chủ đề thứ hai, được phần lớn các đại biểu thảo luận một cách rất sôi nổi, là kêu gọi sự hỗ trợ về mặt nguồn lực hơn nữa của Chính phủ các nước đối với sân khấu dành cho khán giả trẻ. Bởi vì ngay cả ở nhiều nước Tây Âu, thì nhiều nhà hát dành cho thiếu nhi vẫn rất nhỏ lẻ, các nhóm nghệ sĩ dàn dựng các tác phẩm dành cho thiếu nhi rất manh mún và thiếu sự hỗ trợ, quan tâm của Chính phủ.


LH năm nay có sự thay đổi khá đặc biệt: Khoảng gần nửa năm trước khi diễn ra LH, BTC đã gửi thư cho trung tâm Assitej các nước, đề nghị mọi người cung cấp ý tưởng,video clip ý định dàn dựng tác phẩm. BTC đã tổ chức một hội đồng tuyển chọn những ý tưởng các đối tác, nghệ sĩ gửi đến; sử dụng nó để dàn dựng vào các tác phẩm và mời các CTV ở các nước đến tham dự vào chương trình.


Trong LH lần này, tôi gặp lại rất nhiều đồng nghiệp quen thuộc đến từ Nhật Bản, Ấn Độ, TQ, Hàn Quốc, Pakistan…. Nhìn chung mọi người đều trăn trở với việc là làm sao để có được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của Chính phủ cho các chương trình sân khấu dành cho khán gỉ trẻ. Và về một phương diện nào đó, nhiều nước cũng phải đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với sân khấu dành cho khán giả trẻ. Trên thực tế, chúng ta có sự quan tâm, đầu tư tương đối thích đáng của Chính phủ, chính quyền địa phương ở một số nơi như Cung Thiếu nhi ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các câu lạc bộ… Cũng phải ghi nhận sự tiến bộ về mặt hệ thống của các thiết chế văn hóa, các nhà hát dành cho khán giả trẻ, thiếu nhi đến sinh hoạt nghệ thuật. 


Cho đến nay đã có hơn 100 nước thành viên của “Hiệp hội sân khấu dành cho khán giả trẻ và trẻ em”. Việt Nam đã tham gia từ năm 1983, đạo diễn Hà Nhân và đạo diễn Phạm Thị Thành là những thành viên đầu tiên gây dựng lên Assitej Việt Nam. Hoạt động của Assitej Việt Nam hiện nay cũng có những khó khăn nhất định vì trung tâm hoạt động có tính chất tự nguyện, không có nguồn kinh phí hỗ trợ và từng thành viên trung tâm đều đang hoạt động với góc độ đơn vị độc lập như NHTT, Nhà hát múa rối VN, Liên đòan xiếc TƯ, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát múa rối TP Hồ Chí Minh, sân khấu Idecaf… Hiện nay, do khó khăn chung của các Nhà hát, nên hầu hết các khoản đóng góp lệ phí, niên phí hàng năm đều do Nhà hát Tuổi trẻ đảm đương.


Qua chuyến đi này, tất cả các đại biểu của các nước tham dự Festival đều nhận thấy rất rõ, sân khấu Đức dành cho khán giả trẻ thực sự cũng có rất nhiều điều đáng phải ngưỡng mộ và học tập như: Tính chuyên nghiệp cao, các vở diễn dành cho các đối tượng khán giả đều có sự phân loại về mặt lứa tuổi một cách rạch ròi. Có những vở diễn chỉ dành cho khán giả từ 3-5 tuổi, có vở diễn dành cho khán giả trên 12-15 tuổi khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm về mặt giới tính, về mặt tình dục, đòi hỏi có sự khu biệt về mặt lứa tuổi trong các vở diễn.


Tính chuyên nghiệp của sân khấu Đức dành cho khán giả trẻ còn thể hiện ở sự hỗ trợ và đầu tư của chính quyền, việc dành một phần các phúc lợi xã hội dành cho các hoạt động mang yếu tố cung cấp cho khán giả trẻ tuổi được hưởng thụ, được định hướng, được giáo dục về những đề tài xã hội, những đề tài mang tính chất toàn cầu như hiểm họa về biến đổi khí hậu, vấn đề bạo lực, chiến tranh toàn cầu… Các vấn đề này đều có những vở diễn đề cập, nhưng là sự đề cập một cách không thô bạo hoặc là quá trần trụi; mà thông qua những thông điệp có tính ẩn dụ, người xem sẽ thấy hiện diện những vấn đề toàn cầu hóa phải đối chất, vấn đề về chiến tranh, bạo lực. Có thể nói, sân khấu Đức có những vở diễn về đề tài xã hội và về sự nhận thức rất rõ, và ngay kể cả với những vở diễn dành cho khán giả trẻ và trẻ em, họ vẫn chú trọng rất rõ tới tính nhận thức, các chủ đề, các thông điệp xã hội trong vở diễn, bên cạnh những yếu tố có tính chất giải trí. Ít thấy có vở diễn nào tạo sự bi lụy, than khóc, mang sắc thái thiên về góc độ tình cảm. Luôn luôn, tính giáo dục đặt lên hàng đầu, không chiều theo thị hiếu khóc lóc, bi lụy.


Bài cuối: Học cách làm sân khấu chuyên nghiệp cho giới trẻ


Trương Nhuận


(PV ghi)