09:22 04/09/2015

Sân khấu chèo dựng hình tượng Đức Phật Thích Ca

Chọn xây dựng hình tượng một nhân vật đã trở thành huyền thoại, đi vào tâm linh của mọi người dân như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhiều ý kiến cho rằng các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam đã rất “mạo hiểm”.


Tuy nhiên, chỉ qua một vài suất diễn đầu tiên, với hồi âm tích cực của khán giả, xem ra hành trình của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo đã tự tin hơn rất nhiều.

Vở chèo “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật” phản ánh cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho đến khi hành đạo và đắc đạo, dùng chính cuộc đời tu hành của mình để phổ độ chúng sinh. Không đi sâu vào những thuyết giáo của đạo Phật, không thần thánh hóa nhân vật, đạo diễn Lê Tuấn Cường và các nghệ sĩ đã chọn một cách thể hiện hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rất dung dị, đời thường. Trước khi đắc đạo, Đức Phật là một thái tử trong triều đình của dòng họ Thích Ca, cũng đã có gia đình, bố mẹ, vợ con... Mặc dù sống một cuộc đời quá đầy đủ với chức tước, danh vọng, lâu đài cung điện, vợ đẹp, con ngoan... nhưng vì lòng từ bi hỉ xả, thương xót dân chúng, Đức Phật đã từ bỏ cuộc sống của người bình thường, để đi tìm sự giác ngộ về tư tưởng nhà Phật, một cuộc sống chân thật có ý nghĩa và cao đẹp hơn.

Cảnh trong vở “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật” của Nhà hát Chèo Việt Nam.


Điều thú vị nhất là các nghệ sĩ đã khai thác rất tốt nội tâm của nhân vật Đức Phật, đi sâu vào diễn tả tình gia đình, cha con, vợ chồng. Sự giác ngộ nhà Phật không phải cho dân chúng mà sự giác ngộ từ chính bản thân Đức Phật, ngài đã giã từ mọi tham sân si trong cuộc sống đời thường để đi tới sự từ bi hỉ xả cho con người.

Sau khi xem vở diễn, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhận định: "Khi nhận lời làm cố vấn vở diễn này tôi cũng đã khẳng định với các nghệ sĩ rằng đừng có e ngại khi xây dựng hình tượng Đức Phật lên sân khấu chèo. Bởi lẽ Đức Phật cũng là một nhân vật lịch sử của nền văn hóa Ấn Độ, một nhà văn hóa, một nhà triết học của nhân loại. 

Tôi thấy rất hài lòng khi các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam đã chuyển tải được trọn vẹn giá trị tư tưởng của nhân vật Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vở diễn đã chuyển tải được tinh thần về lòng từ bi hỉ xả, tinh thần vô ngã vị. Tấm lòng, tình thương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã cảm hóa được mọi thế lực xấu xa, cả những kẻ định hãm hại xấu cho người... Vở diễn thành công nhất là ở phần cuối sau khi đắc đạo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn coi trọng chữ hiếu vẫn trở về tạ lỗi cùng cha mẹ và vợ con. Qua vở diễn, khán giả có thể hiểu biết một cách cơ bản nhất về con người Đức Phật Thích Ca Mâu Ni".

Nhân vật Đức Phật Thích Ca Mâu Ni do nam diễn viên trẻ Tất Dũng đảm nhiệm đã gây được rất nhiều thiện cảm cho người xem bởi gương mặt hiền lành, phong thái đĩnh đạc. Đạo diễn Lê Tuấn Cường cho biết, anh đã phải lựa chọn rất kỹ và quyết định giao vai cho Tất Dũng, không chỉ dựa trên ở hình thức nổi trội, mà còn ở cả sự hiền lành trong tính tình. Đạo diễn Tuấn Cường chia sẻ: "Đã là một nhân vật tâm linh, thì người diễn viên thể hiện cũng phải tạo được cái thần ấy trong lối sống và vóc dáng bên ngoài. Để dựng nhân vật Đức Phật, tôi cũng đã mất rất nhiều thời gian để tới trao đổi với các đức thượng tọa, sư trụ trì ở các chùa để có thể thẩm thấu được giá trị tư tưởng rất lớn của Đức Phật. Từ đó tôi có những cuộc làm việc, gặp gỡ riêng với từng nghệ sĩ tham gia vở để cùng chia sẻ những kiến thức của mình thẩm thấu được qua sự tìm hiểu".

Đây không phải lần đầu sân khấu chèo dựng và diễn về hình tượng các Đức Phật, trước đây đã từng có những vở diễn như “Quan Âm Thị Kính”, “Mục Kiều Liên thanh đề”... Tới vở “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật”, các nghệ sĩ vẫn duy trì được tư tưởng và triết lý nhân văn của nhà Phật, đó là quá trình đấu tranh giữa danh vọng, quyền lợi, sang hèn và hướng con người tới những điều thiện. Những quan điểm và triết lý sống này không hề xa lạ với đời sống thực tại, thậm chí còn giúp con người trong xã hội hướng thiện hơn, nhân văn hơn, không chỉ nhăm nhăm hưởng lợi riêng cho cá nhân, mà biết sống vì đời, vì người khác. 

Lương Nhi