12:15 22/12/2016

Sân khấu 2016 - những tín hiệu tích cực

Năm 2016 đánh dấu hàng loạt cuộc thi, liên hoan sân khấu thử nghiệm, các chương trình nghệ thuật chất lượng cao…, đó là những tín hiệu vui đối với những người làm nghề sân khấu nói riêng, và với nghệ thuật nước nhà nói chung.

Nhiều sự kiện ý nghĩa

Điểm lại những sự kiện sân khấu lớn trong năm 2016, có thể thấy, đây là một năm sôi động của sân khấu Việt Nam. Trước hết phải kể tới các cuộc thi mang tính toàn quốc như: Cuộc thi sân khấu chèo chuyên nghiệp, cuộc thi sân khấu tuồng chuyên nghiệp, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III, Liên hoan các tác phẩm sân khấu về Hà Nội...


Sân khấu kịch năm 2016 có nhiều khởi sắc.

Các nhà hát cũng liên tiếp cho ra đời những vở kịch có chất lượng. Có thể kể đến vở kịch “Kiều”, chương trình “Ngũ biến”, “Biệt đội báo đen”; chương trình kỷ niệm 100 đêm diễn của “Bệnh sỹ”, “Lâu đài cát”...  của Nhà hát Kịch Việt Nam. Rồi “Sau lưng là cả bầu trời” của Nhà hát Tuổi trẻ; “Chuyện bịa làng Vồm” của Nhà hát Tuồng Việt Nam; “Nàng thứ phi họ Đặng”’ của Nhà hát Chèo Hà Nội… Mặc dù vẫn còn những điều cần bàn, nhưng những vở diễn mới này thực sự là những “điểm sáng” trong hoạt động sân khấu năm nay.

Ngay với sân khấu không chuyên, nơi được coi là tạo phong trào, nền tảng để từ đó phát triển sân khấu chuyên nghiệp, năm nay cũng có những sự kiện gây được sự chú ý, như liên hoan sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2016 ở Bình Định, liên hoan sân khấu hài không chuyên ở Huế, liên hoan sân khấu không chuyên toàn tỉnh ở các tỉnh như Thái Bình, Thái Nguyên, Bình Dương...

Có thể nói, tuy là những kỳ cuộc được tổ chức định kỳ, nhưng là cú huých giúp các đơn vị nghệ thuật chú tâm hơn, dành nhiều thời gian, kinh phí để đầu tư cho tiết mục đi dự thi… Các hoạt động này cũng đã tạo được động lực, tạo sự hứng khởi, sự sáng tạo trong đội ngũ nghệ sĩ.

Đặc biệt, với sân khấu kịch hát dân tộc, những cuộc thi này cũng là kênh thông tin có tính học thuật của giới làm nghề, để họ định vị lại được hướng phát triển, có những điều chỉnh cần thiết, sao cho giữ được đặc trưng của thể loại, mà vẫn có tính thời sự, có ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại hơn, hấp dẫn hơn với giới trẻ. Những tác phẩm được đưa đi dự thi, phần nào đó cũng đã “báo cáo” với anh em bạn nghề về hoạt động nghệ thuật của đơn vị trong những năm gần đây.

Các cuộc liên hoan chuyên và không chuyên là dịp để các đơn vị kịch hát truyền thống, các bạn nghề học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, các hoạt động thường nhật, những ấn tượng, những bài học cho các đơn vị và nghệ sĩ qua những kỳ cuộc này không có nhiều, dù có thể gây được đôi chút xôn xao, sự chú ý của truyền thông và công chúng địa bàn tổ chức.

 Những tín hiệu vui

 Năm 2016, có thể nói là một trong những  “bước ngoặt” của sân khấu Việt Nam, khi các đơn vị nghệ thuật chính thức được “sáng đèn” ở Nhà hát Lớn Hà Nội – nơi vẫn được cho là “Thánh đường nghệ thuật” của Thủ đô. Bắt đầu từ quyết sách đúng đắn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đối với việc các đơn vị nghệ thuật công lập, lựa chọn và đưa những tác phẩm sân khấu có chất lượng vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn, địa điểm vẫn được cho là “sang chảnh” nhất của sân khấu hiện nay.

Việc đưa các tác phẩm sân khấu truyền thống vào Nhà hát Lớn biểu diễn, đã tạo sự kích thích đáng kể cho hoạt động nghệ thuật của các đơn vị chuyên nghiệp, và trở thành sự kiện đáng nhớ trong năm. Đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật kịch hát truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... trước đây vốn không có “cửa” vào Nhà hát Lớn, nay đã rất tự hào vì có thể được vào và trình diễn tại “thánh đường nghệ thuật” này.

Theo đánh giá sơ bộ, việc trình diễn những tác phẩm có chất lượng tốt ở Nhà hát Lớn, đã thu hút được sự chú ý, tham gia của một bộ phận khá đông khán giả, góp phần thức tỉnh các hoạt động về sân khấu truyền thống ở Việt Nam. Tuy vậy, để hoạt động này phát huy tác động lớn hơn, các đơn vị nghệ thuật, cũng như cơ quan quản lý cần có những giải pháp đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền về kế hoạch biểu diễn, đa dạng hóa kênh quảng bá... để các chương trình nghệ thuật đến được với công chúng nhiều hơn.

Cục NTBD kêu gọi các đơn vị nghệ thuật như lãnh đạo các nhà hát cần chủ động hơn trong việc thực hiện kế hoạch, có lịch biểu diễn cụ thể, và chính xác, tổ chức phát hành vé và giới thiệu chương trình một cách sáng tạo và đồng bộ hơn. Đặc biệt, cần chú ý để tận dụng được không gian sàn diễn của Nhà hát, để có những hiệu quả tốt nhất về thị giác, về âm thanh, ánh sáng....

Năm nay cũng ghi dấu ấn của các hoạt động dành cho sân khấu không chuyên. Đây là tín hiệu vui, vì một nền sân khấu chuyên nghiệp chỉ thực sự khỏe mạnh trên cơ sở các hoạt động của sân khấu quần chúng tốt, vì chính nền tảng này sẽ cho sân khấu cơ hội phát hiện tiềm năng của những nghệ sĩ, những tác giả, đạo diễn… đặc biệt là tạo ra một tầng lớp khán giả đam mê sân khấu.

Những thập niên cuối thế kỷ XX, trong bối cảnh sân khấu thịnh, các sân khấu không chuyên của địa phương hoạt động khá sôi nổi với những liên hoan định kỳ vài năm một lần ở cấp tỉnh, cấp huyện, rồi quy mô toàn quốc. Nhưng khi sân khấu chuyên nghiệp mất đi vị thế trong cạnh tranh với các loại hình giải trí khác, hoạt động mang tính quần chúng cũng không còn được lưu tâm.

Rất may là sang năm 2016, dù kinh tế còn khó khăn, nhưng ở một số tỉnh, các liên hoan không chuyên được mở lại, thu hút được sự tham gia không nhỏ của đội ngũ nghệ sĩ quần chúng. Một số tác phẩm của sàn diễn không chuyên cũng đã gây được sự ngạc nhiên cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp khi tham gia chấm thi, giúp đỡ các CLB, các đoàn chuẩn bị tiết mục. Song ở liên hoan sân khấu không chuyên, dường như cũng phản ánh tình trạng chung của sân khấu: thiếu kịch bản có chất lượng, tính nghệ thuật chưa cao...

Cho tới tận những ngày tháng cuối, sân khấu vẫn rộn rã những sự kiện như liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3, liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 2... quả là những tín hiệu rất tích cực. Sự có mặt của các đơn vị nghệ thuật quốc tế và hướng sáng tạo đa dạng của cuộc liên hoan thử nghiệm đã khơi gợi, kích thích sự sáng tạo, đổi mới trong đội ngũ nghệ sĩ sân khấu Việt.

Để sân khấu khôi phục lại được vị thế tích cực trong xã hội, đóng góp nhiều hơn vào những đổi thay của đất nước, các nghệ sĩ ngoài sự nhiệt tình, tâm huyết, còn cần những tư duy mới về nghề, về sáng tạo. Khép lại một năm hoạt động sôi nổi, sân khấu 2016 mang tới nhiều niềm tin hơn.

Đánh giá về hoạt động sân khấu trong năm 2016, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam khẳng định, đây là năm của nhiều hoạt động sân khấu sôi nổi, có những thành tựu đáng khích lệ.

Cao Ngọc