08:16 30/08/2018

‘Sắc màu cuộc sống” qua ống kính nhiếp ảnh gia Lê Bích

Hướng tới ngày Quốc khánh 2/9, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB Phóng viên ảnh Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh “Sắc màu cuộc sống” giới thiệu 40 bức ảnh của phóng viên ảnh Lê Bích.

40 bức ảnh trưng bày trong triển lãm, là 40 câu chuyện, với những góc nhìn, những khoảnh khắc đầy màu sắc khắc họa về con người, về cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam một cách chân thực, gần gũi và đầy sức sống, phản ánh sinh động cuộc sống bình dị hàng ngày, hàng giờ của phụ nữ Việt Nam. Từ một diêm dân, đến thợ làm nón, làm gốm, làm bánh tráng, đến thợ tiện, thợ gò đồng, làm than…

Mỗi người một công việc, một hoàn cảnh, có lo toan, có vất vả… nhưng đó là cách họ lao động, cách họ kiếm sống một cách chân chính, bằng đôi bàn tay, bằng những giọt mồ hôi… Ẩn sâu trong mỗi bức ảnh là vẻ đẹp trong lao động, cùng phẩm chất chịu thương chịu khó, bình dị, gần gũi mà tràn đầy năng lượng, căng tràn sức sống của phụ nữ khắp các tỉnh thành trên đất nước Việt Nam.

Trong buổi khai mạc triển lãm, tác giả Lê Bích đã tặng bản quyền 40 bức ảnh này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với mong muốn những bức ảnh sẽ tiếp tục phát huy giá trị, không chỉ được lưu giữ mà còn truyền cảm hứng cho công chúng, để mỗi người thêm trân trọng những con người lao động chân chính…

Triển lãm sẽ trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ 30/8 - 30/9/2018 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Cùng ngắm những "Sắc màu cuộc sống" qua ống kính của nhiếp ảnh gia Lê Bích:

Chú thích ảnh
Phụ nữ ở làng nghề điêu khắc Bảo Hà, Đồng Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Chú thích ảnh
Mặc dù phải làm việc ngoài trời dưới nắng nóng lên đến 40 độ C nhưng diêm dân làng Xuân Hà, xã Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định vẫn tần tảo sớm hôm để kiếm mỗi ngày khoảng 100 ngàn đồng. 
Chú thích ảnh
Hơn 50 năm nay, nghệ nhân gốm Bàu Trúc Đàng Thị Phan, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận vẫn theo nghề truyền thống. Năm 2006, bà sang Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản… thi tay nghề và đoạt giải nhất. Bà khiến Ban giám khảo và du khách phục tài vì gốm được làm bằng tay và hoa văn tạo từ mẩu lược gãy.
Chú thích ảnh
Làng nghề gốm Quyết Thành ( Kim Bảng, Hà Nam) có  từ thế kỉ XVI. Việc làm gốm vẫn theo lối xưa: chuốt gốm thủ công, nung bằng than củi.
Chú thích ảnh
Làng nghề đúc gang Mỹ Đồng (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã có hơn nửa thế kỷ. Môi trường làm việc luôn nóng, bụi nhưng người phụ nữ thực hiện hầu hết các khâu trong qui trình tạo ra sản phẩm.
Chú thích ảnh
Làng nghề hương xạ Cao Thôn (Bảo Khê, Hưng Yên) nổi tiếng và lâu đời không chỉ ở tỉnh Hưng Yên mà còn trong cả nước.
Chú thích ảnh
Nghề đúc đồng ở Làng Đại Bái (Gia Bình,  Bắc Ninh) nổi tiếng với sản phẩm tinh xảo bán trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng : Tượng, đỉnh đồng, tranh, câu đối...
Chú thích ảnh
Làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai,  Hà Nội nổi tiếng với nghề làm nón. Nón làng Chuông dáng đẹp lại bền. Bà Phạm Thị Ký khâu nón từ khi 10 tuổi, năm nay 93 tuổi mỗi ngày  khâu được một chiếc nón
Chú thích ảnh
Đồng bào Nùng An ở bản Phia Thắp, xã Quốc Dân,  Quảng Uyên, Cao Bằng làm hương trầm. Hương làm từ lá trầm, cây giang và mùn cưa gỗ thông mộc.
Chú thích ảnh
Nghề tiện ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội đã có lịch sử hàng trăm năm.
Chú thích ảnh
Chị Ngần, 32 tuổi đang làm thợ nhúng hương tại làng Cao Thôn, xã Bảo Khê, Hưng Yên. Hàng ngày chị đi làm từ 4h sáng ở một nơi rất bụi, nóng nhưng không thể  bật quạt. Thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Chú thích ảnh
Công nhân Công ty Vệ sinh môi trường Hà Nội cúng giao thừa trên hè phố Thợ Nhuộm trước khi làm nhiệm vụ.
Chú thích ảnh
Nữ cửu vạn chợ hoa quả Long Biên, Hà Nội đợi việc trong đêm đông.
Chú thích ảnh
Bà cụ dân tộc Mông, xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái vừa qua một chặng đường dài đường núi với gùi rau đầy trên vai. 
Chú thích ảnh
Bà Xuân, 60 tuổi, người Diễn Châu, Nghệ An làm việc tại bãi phế liệu ven biển Quỳnh Phương, Nghệ An. Bà làm từ 5h sáng đến 18h chiều, mỗi ngày thu nhập 150.000 đồng. 
Phương Hà/Báo Tin tức