11:11 25/11/2010

Rút ngắn thời gian liền xương trong kéo dài chi bằng tế bào gốc

Nhóm bác sỹ của Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 vừa hoàn thành nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả ghép tế bào gốc tự thân trong điều trị mất đoạn xương và ngắn chi.

(Tin Tức) - Nhóm bác sỹ của Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 vừa hoàn thành nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả ghép tế bào gốc tự thân trong điều trị mất đoạn xương và ngắn chi. So với phương pháp kết xương căng giãn không tiêm tế bào gốc đang áp dụng tại các cơ sở y tế chuyên khoa, kỹ thuật mới lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam rút ngắn được 30% thời gian liền xương cho bệnh nhân.

Tiêm tế bào gốc vào ổ căng giãn xương để làm nhanh quá trình liền xương.

Từ năm 1990 đến nay, tại Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện TƯ Quân đội 108 áp dụng phương pháp kết xương căng giãn để phẫu thuật kéo dài chi cho hơn 400 bệnh nhân bị ngắn chi, mất đoạn xương (do dị tật chân khèo, biến dạng của chi do sốt bại liệt, chấn thương...).

Với phương pháp kết xương căng giãn, người bệnh trải qua một cuộc phẫu thuật cắt ống xương ứng ở một chỗ trên đoạn xương chân cần kéo dài, xuyên các đinh chuyên dụng qua cả hai đoạn xương, rồi gắn vào một loại khung cố định đặc biệt ở bên ngoài chân. Quá trình hàn gắn vết gãy sẽ hình thành ra canxi, tủy xương và các tổ chức tế bào cần thiết khác để nối liền hai đầu xương lại với nhau. Đợi đến khi xương mới liền sẽ chỉnh vít trên khung bên ngoài, giãn ra khoảng 1 mm mỗi ngày, nhằm buộc các tổ chức xương tiếp tục lan ra để nối liền với nhau, cứ như vậy cho tới khi đạt chiều dài xương như dự tính. Sau khi xương đã lành, khung cố định kéo dài chi mới được tháo ra. Nghĩa là, trong suốt hơn 1 năm trời (kéo dài từ 5 - 7cm), người bệnh luôn phải mang khung sắt cố định bên ngoài, gây không ít khó chịu và phiền toái trong cuộc sống.

Trước thực tế này, các bác sĩ Viện Chấn thương chỉnh hình luôn đau đáu, nghiên cứu kỹ thuật điều trị mới để rút ngắn thời gian liền xương, giúp người bệnh sớm trở lại với công việc, ổn định cuộc sống. Và rồi, kỹ thuật điều trị tăng nhanh quá trình liền xương trong điều trị mất đoạn xương và ngắn chi bằng ghép tế bào gốc (TBG) lấy từ máu tủy xương tự thân đã được hình thành.

“Từ tháng 3/2008 - 7/2010, chúng tôi phát triển kỹ thuật mới này cho 22 bệnh nhân mất đoạn xương và ngắn chi đã được làm phẫu thuật kết xương hai ổ hoặc kéo dài chi, vừa hết giai đoạn căng giãn nhưng không có biến chứng nhiễm trùng chân đinh, tại đoạn chi đang kéo dài không biến dạng trục chi, không lỏng khung cố định”, TS Đỗ Tiến Dũng, Phó Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện TƯ Quân đội 108, cho biết.

Trước khi tiêm TBG, bệnh nhân được gây tê tủy sống để các BS tiến hành lấy máu tủy xương trong xương chậu... Sau khi tách các thành phần trong máu tủy xương như: Mỡ, hồng cầu, tiểu cầu, 20 - 30 ml dịch tủy xương chứa TBG còn lại sẽ được tiêm vào ổ căng giãn xương để làm nhanh quá trình liền xương. Sau tiêm TBG, bệnh nhân được dùng kháng sinh dự phòng và ra viện sau đó khoảng 3 - 5 ngày.

Nhờ áp dụng kỹ thuật tiêm tế bào gốc, bệnh nhân giảm được khoảng 30% thời gian mang khung sắt cố định bên ngoài.

Hiện nay, 22 bệnh nhân nói trên đều đã liền xương, được tháo bỏ khung cố định ngoài và không hề có biến chứng; thời gian liền xương trung bình là 27,5 ngày/cm ở nhóm bệnh nhân kéo dài chi và 35,1 ngày/cm ở nhóm kết xương hai ổ. Trong khi đó, kết quả của nhiều nghiên cứu không tiêm TBG vào ổ căng giãn phổ biến là 32 - 40 ngày/cm. Như vậy, sau khi được làm phẫu thuật và được tiêm TBG, người bệnh sẽ thoát khỏi “ách” đeo khung sắt cố định cồng kềnh trước 2 - 3 tháng, sớm hồi phục và trở lại với công việc hơn.

“Chúng tôi cũng đang áp dụng một kỹ thuật mới khác trong trong điều trị mất đoạn xương và ngắn chi, đó là đóng đinh vào tủy. Kỹ thuật này sẽ rút ngắn 60 - 70% thời gian bệnh nhân phải mang khung cố định so với hiện nay”, TS Đỗ Tiến Dũng “bật mí”.

Theo các chuyên gia y tế, các phương pháp điều trị nối dài chi đều có thể kéo dài chi cho bệnh nhân khoảng 5 - 10 cm, thậm chí tới 15 cm. Những thành tựu trong nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật mới ngày càng rút ngắn thời gian điều trị kéo dài chi chắc chắn sẽ khiến nhiều người quyết tâm biến ước mơ sở hữu một đôi chân dài thành hiện thực. Tuy nhiên, dù áp kỹ thuật TBG hay cố định đinh trong tủy thì người bệnh vẫn phải trải qua 1 - 2 cuộc phẫu thuật. Đặc biệt, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ như: Đau đớn, hạn chế vận động khớp, nhiễm trùng các lỗ đinh nơi đinh xuyên qua da... Do đó, trước khi phẫu thuật nối dài chi, người bệnh cần tìm hiểu rõ, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho bản thân và những thành viên khác trong gia đình, tránh tình trạng “dở khóc, dở cười”, tiền mất mà chi thì chẳng dài như mong muốn.

Phương Liên