01:14 24/01/2020

Rực rỡ sắc đào rừng ở vùng cao Mù Cang Chải

Đến với huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh núi non hùng vĩ, vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang trải dài cao vút đến lưng trời. Bên cạnh những thửa ruộng bậc thang, vẻ đẹp thuần khiết của một loài hoa rừng mang tên Tớ Dày hay còn gọi là “hoa đào rừng” báo hiệu mùa Xuân sớm ở nơi rẻo cao Tây Bắc.

Chú thích ảnh
Hoa Tớ Dày được người dân La Pán Tẩn trồng quanh nhà. 

Những ngày tháng 1, khi hơi ấm mùa Xuân đang dần xua đi cái lạnh giá của mùa Đông cũng là lúc báo hiệu một mùa hoa Tớ Dày nở đỏ rừng. Chạy dọc theo Quốc lộ 32 từ huyện Than Uyên (Lai Châu) qua đèo Khau Phạ xuôi về Nghĩa Lộ (Yên Bái) nhìn lên các triền đồi, lưng chừng núi - nơi định cư của bản làng người Mông đâu đâu cũng thấy sắc hồng rực rỡ của hoa Tớ Dày. Những chùm hoa lung linh khoe sắc dưới nắng Xuân tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp trên mảnh đất Mù Cang Chải.

Chú thích ảnh
Hoa Tớ Dày là thứ "đặc sản" riêng của núi rừng Tây Bắc và Mù Cang Chải thu hút du khách và làm say đắm lòng người mỗi dịp Tết đến, Xuân về. 

Tớ Dày là loại hoa rừng thuộc họ hoa đào, người Mông ở Mù Cang Chải thường gọi là “Pằng tớ dảy” dịch theo nghĩa tiếng Việt là “hoa đào rừng”. Loại hoa này chỉ có năm cánh hồng với nhụy dài, nở thành từng chùm vào đầu mùa Xuân, mộc mạc như tình đất, tình người vùng cao. Có thể nói, đây là loại hoa đặc trưng ở vùng núi phía Tây Bắc, trong đó có huyện Mù Cang Chải. Hoa Tớ Dày như là "đặc sản" riêng có ở vùng đất này, mỗi khi mùa Xuân tới, hoa nở đỏ cả một cánh rừng, làm say đắm lòng người.

Anh Nguyễn Tuấn Nhạc - du khách đến từ Hà Nội cho biết, sau những ngày làm việc bận rộn, căng thẳng, anh thường đi du lịch. Khi đặt chân lên mảnh đất Mù Cang Chải và được thả hồn cùng thiên nhiên, đặc biệt là ngắm vẻ đẹp của hoa đào rừng, anh thấy rất vui, hạnh phúc. Theo anh Nhạc, loài hoa này đã tạo nên sắc hương riêng của Mù Cang Chải.

Chú thích ảnh
Đồng bào Mông nơi đây cho biết: cách đây khoảng 300 năm, khi đến định cư nơi đây thì đã có loại cây này. 

Theo đồng bào Mông ở đây, khoảng 300 năm trước, khi người Mông đến định cư trên mảnh đất này đã có loại cây Tớ Dày. Người Mông sau một năm lao động vất vả, khi mùa vàng thu hoạch xong, nhìn lên đã thấy những cây Tớ Dày nở hoa đỏ thắm núi rừng. Đây cũng là lúc những chàng trai cô gái Mông xúng xính trong bộ váy mới cùng nhau luyện tập điệu khèn, chuẩn bị quả Pao để chơi Tết, du Xuân dưới tán hoa Tớ Dày lung linh trong nắng gió. 

Em Giàng Thị Chông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cho biết, mỗi dịp hoa nở, những chàng trai, cô gái Mông thường tổ chức nhiều trò chơi như ném Pao, bắn nỏ, đẩy gậy, đặc biệt bạn nam thổi khèn còn bạn nữ hát giao duyên. Đây là dịp để thanh niên nam nữ có cơ hội tìm hiểu, tỏ tình với nhau.

Chú thích ảnh
Vào những dịp lễ tết, những nam thanh nữ tú người Mông lại cùng nhau chơi hội, du xuân dưới những tán hoa Tớ Dày. 

Mùa Xuân đến với người dân ở La Pán Tẩn nói riêng và Mù Cang Chải nói chung rất nhẹ nhàng, giống như sắc hồng của hoa Tớ Dày. Tiếng khèn của những chàng trai Mông lúc trầm, lúc bổng như lời tỏ tình lãng mạn đón chào mùa Xuân.

Em Hờ A Giàng, xã La Pán Tẩn chia sẻ, là người Mông ở vùng cao, em rất tự hào về truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, vào dịp Tết, đồng bào ở đây tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, trong đó múa khèn được nhiều người quan tâm, tham gia nhiệt tình. Múa khèn là một trong những bản sắc văn hóa riêng có của đồng bào Mông nơi đây. Em được bố truyền dạy từ khi mới 5 tuổi, đến nay em đã có nhiều kỹ năng biểu diễn múa khèn.

Chú thích ảnh
Nam thanh, nữ tú người Mông xã La Pán Tẩn cùng nhau chơi trò chơi ném còn dưới gốc hoa Tớ Dày. 

Thời điểm hoa Tớ Dày nở rộ kéo dài từ giữa tháng 12 đến hết tháng 1 dương lịch. Loài hoa này tồn tại như một biểu tượng báo hiệu mùa Xuân, báo hiệu cho một vụ mới. Bởi mỗi khi thấy hoa Tớ Dày nở cũng là lúc đồng bào bắt đầu một vụ mới cho năm sau. Lúc này là điều kiện thuận lợi để người dân đi dẫn nước về đồng trồng vụ Xuân.

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, Mù Cang Chải là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, trên địa bàn huyện hiện có danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và nơi thành lập đội du kích Khau Phạ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Thời gian qua, huyện đã khai thác tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn; quy hoạch vườn hoa Tớ Dày, xây dựng kế hoạch giao cho các xã lựa chọn những điểm đẹp để phát triển du lịch. Hiện huyện có 3 khu vực tập trung hoa Tớ Dày là ở các xã La Pán Tẩn, Lao Chải và Khao Mang. Chính quyền địa phương cũng phát động trồng cây đào rừng dọc đường vào các xã và trên đèo Khau Phạ. Đến nay, các địa phương đã trồng được gần 2.000 cây.

Chú thích ảnh
Hoa Tớ Dày thường nở vào cuối năm dương lịch trước hoa đào khoảng một tháng. 

Thời gian tới, ngoài tập trung cho loại hình du lịch ngắm cảnh ruộng bậc thang, huyện cũng đẩy mạnh phát triển thêm các điểm du lịch khác, tuyên truyền về mùa hoa Tớ Dày trong thời gian từ tháng 11 âm lịch hàng năm kéo dài đến Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, huyện Mù Cang Chải trồng thêm hoa Tớ Dày kết hợp với hoa đào ta để làm lễ hội hoa đào, thu hút du khách. Hy vọng thời gian tới, huyện có thêm nhiều rừng hoa đào để du khách biết đến và tổ chức các lễ hội hoa Tớ Dày, góp phần phát triển du lịch Mù Cang Chải.

Mùa hoa Tớ Dày nở là lúc núi rừng Mù Cang Chải như khoác lên mình bộ áo mới rực rỡ. Đây cũng là địa điểm để du khách đến với mảnh đất Mù Cang Chải và hòa mình trong tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp vùng cao. Cùng với vẻ đẹp thuần khiết của hoa, cây Tớ Dày còn có tác dụng phòng hộ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, giữ đất, gắn mục tiêu phát triển du lịch với bảo vệ rừng.

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)