12:07 27/12/2016

Rục rịch phương án tuyển sinh 2017

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017 và đặc biệt việc ĐH Quốc gia Hà Nội dừng kỳ thi đánh giá năng lực thì các trường đại học đã bắt đầu hình thành phương án tuyển sinh 2017 cho trường mình. Nổi bật trong các phương án này là việc tuyển sinh theo nhóm trường nhằm tính toán được tỷ lệ ảo cũng như những tối ưu hóa trong tuyển sinh.

NGHE NGÓNG VÀO “NHÓM” HAY TUYỂN RIÊNG

Thời điểm này nhiều trường đang họp bàn về phương án tuyển sinh năm 2017 của trường. Bên cạnh việc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường đã tìm các phương án để phát huy tính tự chủ của trường cũng như đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng trong năm tới.

Phương án tuyển sinh phải tuân thủ quy định chung

Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017 được lấy ý kiến tuần trước đã đưa ra nhiều phương án mà nếu các trường có đề án tuyển sinh riêng thì cần tuân thủ.

Cụ thể, dự thảo quy định, với các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để sơ tuyển, xét tuyển cần xác định và công bố công khai việc dùng các tổ hợp điểm thi của các bài thi/môn thi (bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội) và các môn thi thành phần của bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành.

ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức tư vấn xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 cho thí sinh, phù hợp với số điểm đã đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Với các trường có thủ tục sơ tuyển; các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu... kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (sau đây gọi chung là các trường đặc thù): Xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, đề thi minh họa đối với các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt và phương thức xét tuyển.

Với các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển cần lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh theo quy định trên. Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, coi thi, chấm thi (nếu tổ chức thi tuyển); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh. Nếu sử dụng kết quả thi tuyển sinh của các trường khác để xét tuyển phải quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh, các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Tuy nhiên, các trường phải đảm bảo các yêu cầu: Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi. Phải đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh và không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội.

Nhìn lại phương án tuyển sinh trong năm qua thì có kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội là nổi bật trong tuyển sinh riêng, phát huy tính tự chủ trong tuyển sinh, nhưng chỉ trước thời điểm có dự thảo quy chế tuyển sinh vài ngày, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đưa ra thông báo về việc dừng kỳ thi này. Chia sẻ về quyết định này, PGS TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, sở dĩ ĐH Quốc gia Hà Nội có lựa chọn này là do những đổi mới trong phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cơ bản gần với định hướng, mục tiêu, triết lí của đổi mới tuyển sinh ở bài thi đánh giá năng lực chung mà ĐH Quốc gia Hà Nội đã triển khai trong thời gian vừa qua.

Được biết trong tuần qua, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có văn bản gửi tới những trường năm ngoái đã sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực làm căn cứ xét tuyển về nội dung dừng này để những trường này có điều chỉnh kịp thời trong phương án tuyển sinh năm 2017. “ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành, sát cánh với các đơn vị và cam kết cùng giải quyết những phát sinh liên quan”, PGS TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Cũng trong tuần qua, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đưa ra phương hướng tuyển sinh 2017. Cụ thể, trường sẽ tuyển sinh dựa trên 4 phương thức. Phương thức thứ nhất là xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm tới của Bộ GD-ĐT. Điều kiện và thời gian xét tuyển theo đúng kế hoạch tuyển sinh của Bộ. Phương thức thứ hai là áp dụng ưu tiên xét tuyển học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu trên toàn quốc. Thí sinh phải tốt nghiệp THPT năm 2017, phải đạt danh hiệu học sinh giỏi trong năm lớp 10, 11 và 12 hoặc là thành viên đội tuyển của trường hoặc tỉnh thành tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, có hạnh kiểm tốt trong 3 năm THPT. Phương thức thứ ba là xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia 2017. Phương thức thứ tư là thí điểm xét tuyển thí sinh từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do chính ĐH này tổ chức ở một số đơn vị.

Tham gia nhóm thì trường phải bỏ cái riêng

Tính tới thời điểm này, điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2017 sẽ là tuyển sinh theo nhóm trường. Một số trường lo lắng về việc khó xác định được tỷ lệ thí sinh ảo và quyền tự chủ trong lựa chọn thí sinh sẽ không còn.

Một lãnh đạo trường ĐH tại Hà Nội than thở: “Dù Bộ nói đa dạng phương thức xét tuyển nhưng lại sử dụng phần mềm xét tuyển chung trong khi nhiều trường có đặc thù và tuân thủ theo quy định thì quyền tự chủ có được tôn trọng?”.

Dự kiến, năm 2017, các trường đại học nếu dùng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đều phải sử dụng phần mềm xét tuyển chung. Các trường trong nhóm GX - nhóm xét tuyển lớn nhất năm 2016 đang có những phương án riêng cho nhóm trong năm 2017.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, với trách nhiệm là chủ trì nhóm GX như năm ngoái gồm 12 trường thì năm nay dự kiến sẽ mở rộng lên tới 20 trường đại học cùng xét tuyển. Với bối cảnh hiện nay, việc tổ chức thêm một kỳ thi của trường là khá nhiều vấn đề phức tạp. Nên trước mắt, chúng tôi vẫn thống nhất là lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển chung. Việc lập nhóm tuyển sinh vốn là để chống tỷ lệ ảo. Năm ngoái các trường đều tuyển sinh đạt trên 96%.

“Việc năm ngoái vẫn còn nhiều trường lăn tăn không tham gia vào nhóm bởi họ có những điều kiện tuyển sinh riêng như khối công an, quân đội, y dược. Trong khi tuyển sinh theo nhóm trường tập trung chỉ phát huy tốt khi càng nhiều trường tham gia và ít có điều kiện riêng”, ông Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh.

Nguyên tắc xét tuyển của nhóm GX là xét tuyển theo nhóm ngành: Một nhóm ngành bao gồm một hoặc vài ngành đào tạo của một trường thuộc nhóm GX, được ấn định một mã ngành/nhóm ngành. Xét tuyển theo các nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký (xếp theo thứ tự ưu tiên trên phiếu đăng ký xét tuyển). Mỗi nguyện vọng ứng với một mã xét tuyển, nếu thí sinh trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả Điểm xét của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó.

Hiện nay, một số trường như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Tài Nguyên và Môi trường đã sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm ngoái đều quay trở lại phương án “truyền thống” là lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển. Và đa số đang “nghe ngóng” để hoàn thiện phương án tuyển sinh riêng của trường mình. Dù khuyến khích tuyển sinh riêng, tổ chức kỳ thi nhưng đến nay các trường đều chưa có quyết định gì nổi bật trong đề án riêng của mình.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga: Quy trình tuyển sinh do các trường quyết định 


Trước một số ý kiến lo lắng về việc Bộ GD - ĐT đưa ra quy định nhằm thực hiện tuyển sinh 2017 sẽ giảm quyền tự chủ của các trường, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi về vấn đề này. 


Thưa Thứ trưởng, trước ý kiến lo lắng việc các trường sẽ sử dụng phần mềm xét tuyển chung trong khi nhiều trường có đặc thù và tuân thủ theo quy định thì quyền tự chủ có được tôn trọng? Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này. 


Như tôi đã trả lời khá nhiều lần trong các cuộc họp cũng như về tự chủ của các trường đại học thì quyền tự chủ tuyển sinh phụ thuộc ai là người quyết định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển. Theo dự thảo quy chế tuyển sinh thì hai việc này hoàn toàn do các trường quyết định và đã thể hiện rất rõ. Dự kiến kỳ tuyển sinh 2017, Bộ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh, cung cấp thông tin và công cụ thống kê tự động để hỗ trợ cho các trường thực hiện đúng quy chế tuyển sinh theo nguyên tắc cơ bản: Trong xét tuyển đợt 1, thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Nếu trường không sử dụng công cụ hỗ trợ của cổng thông tin tuyển sinh thì không thể đảm bảo được nguyên tắc này. 


Trước ý kiến cho rằng dù nói các trường đại học tự chủ tuyển sinh nhưng đề án tuyển sinh vẫn cần tuân thủ rất nhiều các quy định của Bộ. Điều này quyền tự chủ được đảm bảo không, thưa Thứ trưởng? 


Luật Giáo dục Đại học quy định giao quyền tự chủ của các nhà trường nhưng Bộ GD - ĐT phải ban hành quy chế. Năm 2017, trường đại học được quyết định 2 yếu tố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển, Bộ hoàn toàn không can thiệp, chỉ đưa ra nguyên tắc. 


Xin cảm ơn Thứ trưởng!


 
Lê Vân