05:06 16/05/2014

Rót vốn cho nông nghiệp công nghệ cao

Tại hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao” ... Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Tín dụng năm nay vẫn chú trọng các lĩnh vực ưu tiên, trong đó sẽ tập trung nhiều hơn cho việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao” do báo Nhân dân phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 15/5 ở Hà Nội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Tín dụng năm nay vẫn chú trọng các lĩnh vực ưu tiên, trong đó sẽ tập trung nhiều hơn cho việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.


Thiếu vốn trung, dài hạn


Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, những năm gần đây đã xuất hiện một số mô hình mới trong liên kết sản xuất nông nghiệp như: Mô hình liên kết bốn nhà, cánh đồng mẫu lớn... nhằm nâng cao quy mô và chất lượng tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn. Tín dụng là một yếu tố tác động quan trọng, thậm chí đóng vai trò then chốt trong vận hành các mô hình này. Tuy nhiên, việc rót vốn cho nông nghiệp vẫn gặp nhiều hạn chế do phương thức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam lạc hậu, nông dân thiếu tài sản có giá trị để thế chấp, cầm cố vay vốn ngân hàng...

 

Thu hoạch chè búp tươi ứng dụng công nghệ cao tại xã Đam Bri, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

 


Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, bên cạnh những yếu tố như đất đai, cơ chế chính sách thì vốn là vấn đề rất lớn và rất cấp thiết.


Có nhiều mô hình đã thành công nhờ ứng dụng công nghệ cao như Công ty cổ phần sữa TH (TH TrueMilk) đầu tư công nghệ nuôi bò sữa và chế biến sạch quy mô lớn theo tiêu chuẩn quốc tế; mô hình về trồng hoa và rau ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng và một số mô hình khác tại Hà Nội, TP.HCM, Hậu Giang, An Giang, Thái Nguyên... Tuy nhiên, để đưa ra được mô hình trên thì doanh nghiệp phải huy động rất nhiều nguồn vốn khác nhau, đặc biệt là nguồn vốn ngân hàng.

Nhưng theo phản ánh của một số doanh nghiệp, có nhiều trở ngại từ hệ thống ngân hàng đã cản trở quá trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Theo đó, mặc dù nhu cầu vốn rất lớn nhưng khả năng đáp ứng qua kênh ngân hàng kể cả ngắn hạn và dài hạn chỉ bảo đảm được 50%. Thủ tục và điều kiện vay ngân hàng phức tạp; vốn vay lại chủ yếu là ngắn hạn, không đáp ứng chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thường phải trả trước hạn thu hoạch...


Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt đã kiến nghị ngân hàng nên cho vay vốn trung, dài hạn, chứ hiện công ty chỉ được vay vốn ngắn hạn với lãi suất 9 - 10%. Chính vì do thiếu vốn nên công ty chỉ đầu tư từng phần. Còn vốn ngắn hạn thì công ty sẽ vay theo vụ mùa.


Theo ông Sơn, NHNN cần có quy định và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay, đặc biệt là nhà kính nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước đầu tư, cung ứng, chuyển giao kỹ thuật nhà kính cho các doanh nghiệp, hộ dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thu hồi nhà kính theo tỷ lệ định giá tài sản còn lại do khách hàng hoạt động không hiệu quả bằng cách cung ứng cho doanh nghiệp và các hộ dân khác có nhu cầu đầu tư.


Cơ chế riêng cho ngành đặc thù


Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết: NHNN đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành khảo sát, nghiên cứu và xây dựng chính sách thí điểm để triển khai.


“Chương trình thí điểm cho vay hỗ trợ của ngành ngân hàng trong mô hình liên kết này hướng vào 2 nội dung là giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm sản xuất liên kết, thông qua việc cho vay lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường). Ngoài ra, còn tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm theo hướng sẽ cho vay tín chấp nếu nông dân và doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết có cơ sở pháp lý và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền tham gia vào quá trình liên kết,” ông Mạnh nhấn mạnh.


Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), thời gian qua, ngân hàng cho vay các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả lớn. Điển hình tại thành phố Cần Thơ, Agribank đã cho vay theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đối với Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ. Tại Hà Nam, ngân hàng này cũng đã triển khai cho vay theo mô hình liên kết bốn nhà để chăn nuôi lợn gồm: người chăn nuôi, nhà cung cấp, ngân hàng và người tiêu thụ.


Lãnh đạo Agribank kiến nghị, để việc cho vay vốn đạt hiệu quả, các địa phương từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Trên cơ sở đó xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản gắn với sản xuất, tránh tình trạng mất cân đối giữa vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán đã diễn ra trước đây.


Còn lãnh đạo Ngân hàng Công Thương (VietinBank) cũng cho biết, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục tạo điều kiện và dành nguồn vốn cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm trong nông nghiệp.


ThS. Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho hay: Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 5 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà tư vấn và nhà nông. Trong đó, sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Song, để phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp bền vững, hiệu quả hơn cần có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển khoa học và công nghệ trong nông nghiệp; xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia, những sản phẩm có tiềm năng như: gạo, cà phê, cao su, thuỷ sản, thịt lợn, sữa, lâm sản… Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư về khoa học và công nghệ trong chọn, tạo giống, tổ chức sản xuất, xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng. Việt Nam cần hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao hoạt động có hiệu quả tại những vùng nông nghiệp trọng điểm.


Minh Phương