07:06 11/07/2017

Rộng mở cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp

Chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Trong khi các startup với vô vàn ý tưởng đã mạnh dạn tìm đến con đường khởi nghiệp, thì Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cũng đang đồng hành với rất nhiều chương trình hỗ trợ.

Doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần những hỗ trợ về địa điểm, vốn, tư vấn quản lý...

Mong muốn tiếp cận các chương trình


Chỉ sau hơn hai năm khởi nghiệp bằng ứng dụng TopCV, đến nay, Công ty Cổ phần TopCV Việt Nam của chàng trai 9x Trần Trung Hiếu đã có quy mô hơn 40 nhân viên, với văn phòng khang trang, trang thiết bị đầy đủ.  Đặc biệt, đã thu hồi được vốn đầu tư để có thể vững chắc cho những bước tiếp theo.


TopCV là ứng dụng viết CV online dành cho đối tượng là những người đang làm hồ sơ xin việc với mong muốn có những bản CV thật ấn tượng với nhà tuyển dụng. Hiện tại, ứng dụng này đã thu hút tới hơn 500.000 người dùng, tỷ lệ ứng tuyển thành công nhờ sử dụng ứng dụng này khoảng 1.000 hồ sơ/ngày. Thậm chí, có tới 80% CV gửi tới các nhà tuyển dụng trong nước đều được xây dựng từ website của TopCV.


CEO Trần Trung Hiếu chia sẻ: “Khi thiết kế thành công phần mềm này, tôi đã mạnh dạn triển khai thành một dự án khởi nghiệp. Để có được ngày hôm nay, nhóm chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Từ điểm xuất phát ban đầu là sinh viên mới tốt nghiệp, với số vốn trong tay là con số 0, nhân lực chủ yếu là nhóm thiết kế chương trình, chúng tôi đã phải rất vất vả mới vay được tiền để thuê địa điểm làm văn phòng, sau đó tích cóp dần dần mới dám thuê thêm nhân viên để mở rộng hoạt động”.


Với ước mơ ứng dụng công nghệ thông tin để thành lập một tổ chức giáo dục dạy thiết kế đồ họa, dự án khởi nghiệp bằng phần mềm Color ME của chàng sinh viên đại học FPT Nguyễn Việt Hùng đến nay đã có 3 chi nhánh khang trang tại Hà Nội và Hải Phòng; đạt doanh thu tới 200 triệu đồng/ tháng. Tuy vậy, bước khởi đầu của doanh nghiệp này cũng vô cùng gian nan.


Không có chút vốn nào trong tay, ban đầu, Hùng phải đi thuê địa điểm, thuê bàn ghế, tự đứng lớp, tự đi dán quảng cáo… không nề hà việc gì, miễn là có đủ học viên để duy trì lớp học và bù lại các khoản nợ. Thậm chí có thời điểm không thuê được cả bàn, ghế, nhóm khởi nghiệp đã lâm vào tình trạng khủng hoảng, tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhờ sự kiên trì, Hùng cùng với nhóm đã quyết tâm gầy dựng bằng được, tích cóp dần dần để mở rộng các lớp học và số học viên ngày càng tăng lên nhanh chóng.


Theo CEO Trần Trung Hiếu: “Khi mới khởi nghiệp, ai cũng đều gặp khó khăn, nhưng nếu lúc đó có sự hỗ trợ kịp thời thì các doanh nghiệp sẽ dễ dàng vượt qua để có đà phát triển, không lãng phí những ý tưởng hay”.


Theo thống kê của Bộ KHCN, chỉ trong quý I/2017, cả nước có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới, đây là con số cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Sự tăng nhanh số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp cho thấy tinh thần khởi nghiệp quốc gia đang phát triển mạnh mẽ. Với đặc thù khởi nghiệp đi cùng với đổi mới sáng tạo có tính chất mạo hiểm, các doanh nghiệp rất cần bệ đỡ từ các chính sách nhà nước, các chương trình hỗ trợ thiết thực và dễ tiếp cận để có thể trở thành những doanh nghiệp mạnh.


Sẽ hỗ trợ tối đa

Với nhu cầu được hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm quản lý trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, hầu hết các startup luôn mong muốn được tiếp cận với các dự án hỗ trợ của nhà nước, được tiếp cận với các nhà đầu tư, các chuyên gia để được tư vấn, học hỏi kinh nghiệm.


Hiện tại, bên cạnh những chính sách tổng thể, các chương trình hỗ trợ tận nơi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc các ý tưởng khởi nghiệp cũng đang được triển khai mạnh mẽ.


Theo ông Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KHCN): “Để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, ngoài triển khai xây dựng các văn bản chính sách liên quan đến tài chính, cơ chế đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm… Bộ KHCN đang tích cực tuyên truyền, hướng đến đối tượng khởi nghiệp là sinh viên các trường khối kinh tế, kỹ thuật. Hỗ trợ các trường đại học thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp; hỗ trợ sinh viên , giới thiệu, phát triển sản phẩm và tiếp cận các phương pháp marketing; kết nối sinh viên với các nhà khởi nghiệp, quỹ đầu tư, quỹ khởi nghiệp; tổ chức mời các chuyên gia về khởi nghiệp về đào tạo trong các trường đại học…”


Cũng theo ông Đích, việc tổ chức các Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest hàng năm cũng là những cơ hội tuyệt vời cho các nhà khởi nghiệp khi tạo cho họ sân chơi để kết nối với các nhà đầu tư. Tại đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm của mình và tìm kiếm cơ hội từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến thời điểm này, số lượng quỹ đầu tư đã tăng lên nhanh chóng với hơn 30 quỹ đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài, tổng số thương vụ đầu tư mạo hiểm đã đã tăng từ 24 lên 67 thương vụ.


Để tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, Bộ KHCN đang triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Trong đó, đặt mục tiêu sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hỗ trợ được phát triển khoảng 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.


Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng khẳng định: Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan cũng như các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp để Đề án được triển khai toàn diện trong thời gian tới, hướng tới hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.


TN/Báo Tin Tức