04:12 30/04/2015

Rộn ràng ngày đại lễ của dân tộc

Sáng nay (30/4), quảng trường Thống Nhất (đường Lê Duẩn, trước Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh) như “sống dậy” với thời khắc của ngày 30/4 cách đây tròn 40 năm

Sáng nay (30/4), quảng trường Thống Nhất (đường Lê Duẩn, trước Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh) như “sống dậy” với thời khắc của ngày 30/4 cách đây tròn 40 năm.

Rợp cờ hoa đón ngày đại lễ của dân tộc - ngày thống nhất đất nước, non sông liền một dải.

Ngay từ giữa khuya ngày 30/4, đã có hàng ngàn người dân là cán bộ công chức, quân đội, cựu chiến binh, sinh viên học sinh… đã đổ dồn về trung tâm thành phố trên các xe buýt loại lớn. Các đội hình và các khối nền đã được xếp ngay ngắn, sẵn sàng hai bên trục đường Lê Duẩn. Mới 5 giờ sáng, cả không gian yên tĩnh giữa lòng Sài Gòn như vỡ òa bởi những bước chân rầm rập của hàng trăm chiến sĩ, cán bộ thuộc các lực lượng diễu binh đang tập luyện lần cuối cùng trước khi lễ diễu binh chính thức diễn ra.

Những gương mặt hân hoan, chờ đợi đến phần nghi lễ dù họ phải đến từ rất sớm


Có mặt từ rất sớm cựu binh Trần Văn Ân, cũng như nhiều cựu binh khác trong khối Cựu chiến binh tham gia lễ duyệt binh sáng nay, cảm thấy vô cùng phấn khởi và vinh dự được tham gia một hoạt động kỷ niệm trọng đại của đất nước. “Đứng trước tiếng nhạc hào hùng, được lắng nghe tiếng bước chân mạnh mẽ của các chiến sĩ ở các binh chủng, tôi như được sống lại những ngày mùa xuân tháng 4 cách đây 40 năm trước. Trong lòng tôi chất chứa một cảm giác xúc động, tự hào. Tôi cũng vui vì thấy được rằng sau 40 năm đất nước hòa bình, cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đổi thay ngày càng tươi đẹp”, ông Ân xúc động nói.

Lực lượng quân đội tham gia buổi lễ.

Cũng như cựu binh Trần Văn Ân, ông Lê Văn Dũng, tham gia vào khối diễu hành đại diện cho tầng lớp nông dân, bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng trước Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Ông kể: “Tôi là dân Củ Chi. Lúc nhỏ, tôi sống ở ấp Trung Lập xã Trung Lập Hạ, đó cũng là nơi chính quyền chế độ cũ lập ấp chiến lược. Tôi còn nhớ lúc đó cuộc sống của người dân ở trong ấp chiến lược rất khổ sở, chịu sự kềm kẹp gắt gao, chúng tôi chỉ mong được đến ngày Sài Gòn được giải phóng, thống nhất đất nước. Và rồi cuối cùng mùa xuân đại thắng cũng đã đến, còn hạnh phúc gì bằng nữa. Đã qua bao nhiêu mùa xuân tháng 4 nhưng năm nay lại là kỷ niệm 40 năm, được tham gia duyệt binh, được nhìn lại chặng đường của Thành phố Hồ Chí Minh vươn lên sau chiến tranh, có thể nói đó là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi”.


Dù không có xe tăng, thiết giáp… nhưng hai bên đường các chú, các bác, các anh, các chị, các mẹ trong tà áo dài thướt tha, tay cầm cờ Đảng, cờ tổ quốc và cả cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam vẫy liên tục. Dù thời tiết tháng 4 ở miền Nam nắng sớm và khá oi bức, nhưng gương mặt ai cũng hân hoan, hứng khởi chào mừng các lực lượng diễu binh như chính mình đang đón những cánh quân giải phóng từ mọi ngả đường đổ về trung tâm Sài Gòn – mà điểm cuối là Dinh Độc Lập, đúng vào ngày này cách đây 40 năm trước.


Các đại biểu tham dự buổi diễu binh.

Chị Thu Thảo, một trong những cán bộ tham gia khối nền, cho biết: “Lễ năm nay làm hoành tráng quá và rất có ý nghĩa. Mặc dù không phô trương sức mạnh bằng các chiến xa hay máy bay như thường thấy ở các nước, nhưng chính các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành đã cho ta thấy sức mạnh của dân tộc là ở con người, ở chính các lực lượng như công nhân, nông dân, các lực lượng quân đội và ở các đoàn thể như Mặt trận, phụ nữ, trí thức, thanh thiếu niên…. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cũng chu đáo, khiến chúng tôi dù thức khuya, dậy sớm để lên đây nhưng vẫn không cảm thấy mệt”.


Có rất nhiều phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại buổi lễ khi được hỏi về cảm giác của họ, họ đều mang một cảm nhận chung: đó là một buổi lễ mang đầy hình ảnh của một đất nước, một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng vô cùng mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ đó đến từ sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân tộc. Bởi trong buổi duyệt binh, không chỉ có những lực lượng binh chủng khác nhau mà còn có những “binh chủng” đến từ các tầng lớp nhân dân. Họ vừa “chắc tay súng, vững tay cày” để cùng với toàn dân tộc làm nên chiến thắng lịch sử, đại thắng mùa xuân năm 1975. Bên cạnh đó, họ còn thấy được niềm khát khao của toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam thông qua buổi lễ long trọng này về một tương lai tươi sáng, xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp và luôn là một người bạn tốt đối với bè bạn năm châu.


Anh Đức-M.T