02:10 08/02/2011

Rộn ràng lễ hội đầu xuân

Những ngày đầu xuân Tân Mão, khắp nơi đều tưng bừng các hoạt động vui chơi, giải trí mừng xuân. Hòa cùng không khí tưng bừng, náo nức khi đón chào một mùa xuân mới, nhiều lễ hội cũng bắt đầu khai mạc, mở màn cho mùa lễ hội năm 2011.

Những ngày đầu xuân Tân Mão, khắp nơi đều tưng bừng các hoạt động vui chơi, giải trí mừng xuân. Hòa cùng không khí tưng bừng, náo nức khi đón chào một mùa xuân mới, nhiều lễ hội cũng bắt đầu khai mạc, mở màn cho mùa lễ hội năm 2011.

Hà Nội - Chen chân dự hội gò Đống Đa

Ngày mùng 7/2, tức mùng 5 tháng Giêng năm Tân Mão, hàng nghìn người dân Thủ đô và du khách đã đổ về Công viên văn hóa Đống Đa (quận Đống Đa - Hà Nội) tham dự Lễ hội gò Đống Đa - Lễ hội được tổ chức nhân kỷ niệm 222 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2011).

Người dân Thủ đô và du khách tham dự Lễ hội gò Đống Đa tại Công viên văn hóa Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Lê Phú


Ngay từ sáng sớm, khu công viên đã tưng bừng trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng thanh la khi các đoàn rước khăn áo chỉnh tề, trong rừng cờ, tán, lọng, kiệu rực rỡ màu sắc lần lượt tiến về dưới chân tượng đài vua Quang Trung. Khi đám rước về đến gò Ðống Ða, sau lễ dâng hương là đến lễ đọc văn kể lại sự tích chiến công năm Kỷ Dậu, ca ngợi thiên tài quân sự của người anh hùng dân tộc Quang Trung.

Sau phần lễ, các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Hà Nội đã mở màn cho phần hội bằng vở "Đào thắm tình xuân", tái hiện lại chiến công lẫy lừng của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng đội quân Tây Sơn trong trận chiến vang dội Ngọc Hồi - Đống Đa đánh tan hơn 2 vạn quân Thanh xâm lược, giữ yên bờ cõi, mang lại cuộc sống yên bình cho nhân dân cùng câu chuyện tình đầy cảm động giữa Vua Quang Trung và Công chúa Lê Ngọc Hân...

Người xem hội cũng được chứng kiến nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là màn rước "Rồng lửa" được bện bằng nùi rơm, mo nang và giấy bồi trang trí thành hình con rồng, một tốp thanh niên bận võ phục đi quanh, biểu diễn côn, quyền như tái hiện lại cuộc chiến đấu đã qua.


Ngoài ra, các màn múa võ Tây Sơn, Bình Định, thi đấu cờ người, cờ tướng, kéo co, các màn múa tứ linh, múa quạt, múa sinh tiền và các hoạt động vui chơi khác như chơi trò chơi dân gian, nặn tò he, khắc họa chân dung... cũng được tổ chức để thu hút du khách.

Đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam để du xuân, xin chữ cầu may trong những ngày đầu năm mới cũng là một trong những nét đẹp truyền thống bao đời của người Hà thành. Suốt trong những ngày đầu năm mới, dòng người đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày càng đông, kể cả các bạn trẻ ở các huyện khá xa như Thanh Oai, Thạch Thất cũng rủ nhau về đây, chen chân xếp hàng cả tiếng đồng hồ để mua vé, xin chữ cầu may...


Tại khu vực Văn Miếu, nhiều chương trình nghệ thuật dân gian độc đáo, như biểu diễn ca trù, hát xẩm, múa ống tập thể nam, nữ, hát văn, thi đấu cờ người... đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tại các điểm thờ tự như chùa, đền, phủ... trên địa bàn Hà Nội đều đón khách hành hương ngay từ những phút đầu tiên của năm mới. Tại các chùa lớn như chùa Trấn Quốc, Quán Sứ, Phụng Khánh, phủ Tây Hồ... thường xuyên đông nghịt người và xe.

Khắp nơi tưng bừng lễ hội xuân

Sáng ngày 6/2 (mùng 4 Tết Tân Mão), hàng vạn du khách thập phương đã về phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) tham dự Hội rước pháo làng Đồng Kỵ. Lễ hội này là nghi thức truyền thống được người dân làng nghề tổ chức hàng năm, bắt đầu từ mùng 4 đến hết mùng 6 tháng Giêng Âm lịch. Hội thi làm pháo và đốt pháo trước đây tái hiện hình ảnh ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm Thành hoàng làng - ra lệnh xuất quân đánh giặc.


Từ khi có chủ trương cấm đốt pháo, người dân nơi đây chỉ thi trang trí pháo và tổ chức rước pháo hàng năm theo truyền thống. Hội làng Đồng Kỵ ngoài thi pháo còn có đấu cờ người, cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, vật cổ truyền, chọi gà và biểu diễn các canh hát quan họ, các tích tuồng cổ.

Tại Hải Dương, những ngày đầu xuân Tân Mão, du khách cả nước lại nô nức tìm về núi Phượng Hoàng, xã Văn An, thị xã Chí Linh (Hải Dương) để thắp hương tưởng nhớ tới thầy giáo Chu Văn An. Khách đến viếng đền có đủ mọi thành phần từ các bậc giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đến các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên... thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.

Tại Nghệ An, từ sáng mùng một Tết đến nay, dòng người từ trong và ngoài tỉnh Nghệ An tấp nập đến Khu di tích Kim Liên (nằm trên địa bàn xã Kim Liên, huyện Nam Đàn).


Nhiều gia đình có con cái đi làm ăn ở các tỉnh xa, nay trở về quê hương ăn Tết cũng đem theo cả nhà đến thắp hương, dâng hoa lên bàn thờ Bác. Riêng ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, do lượng người đến đông, Khu di tích đã mở cửa thông tầm từ sáng qua trưa, đến chiều tối; từ mùng 3 Tết, hàng ngày Khu di tích mở cửa từ 7 giờ 30 phút sáng, đóng cửa lúc 17 giờ chiều.

Tại Khu di tích đình làng Bích La, thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), đêm mùng 4, rạng sáng ngày mùng 5/2 (tức đêm mùng 2, rạng sáng ngày mùng 3 Tết), đã đón hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh về tham dự lễ hội Chợ đình Bích La. Lễ hội này thường được tổ chức từ chiều mồng 2 đến hết ngày mồng 3 âm lịch, nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng đoàn kết góp sức chung tay xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.


Lễ hội bao gồm phần lễ, Hội và phần chợ. Hoạt động lễ, hội và chợ thống nhất trong một không gian gồm khu vực miếu thờ, khu vực đình làng và khu vực chợ. Lễ hội năm nay được tổ chức tưng bừng hơn mọi năm nhằm chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng đất nước đổi mới và mừng xuân Tân Mão 2011.

Chùa ông Núi - Linh Phong tự tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định trong những ngày đầu năm mới cũng đón hàng nghìn lượt người đến cầu may và thăm viếng cảnh chùa dịp Tết cổ truyền.

Vẫn còn những điều chưa đẹp

Bên cạnh niềm vui trẩy hội, đi lễ đầu năm, vẫn còn nhiều hình ảnh chưa đẹp, nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa khiến du khách phải phiền lòng. Do dòng người đổ xô về các đền, chùa để đi lễ đầu năm, nhiều nơi đã diễn ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.


Tình trạng ăn xin ngồi la liệt, rồi hình ảnh mời chào, lôi kéo khách mua đồ lễ bên ngoài cổng các đền, chùa cũng khiến nhiều du khách cảm thấy không thoải mái. Ngoài ra, tình trạng đốt hương, đốt vàng, mã tràn lan khiến khói và tàn tro bay tứ tung trong không khí cũng gây phiền hà cho không ít người đi đường.

Tại những chùa lớn như Quán Sứ, phủ Tây Hồ, thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn, quá tải. Đặc biệt là ở phủ Tây Hồ, đường đi vào phủ luôn kẹt cứng xe cộ, khắp nơi trong phủ lúc nào cũng chật cứng người. Hàng quán bên đường tha hồ hét giá, chặt chém du khách. Một cành vàng, lá ngọc bình thường giá chỉ khoảng 20.000 đồng, nhưng ở đây bị hét đến 50.000 – 100.000 đồng/cành.


Giá trông xe máy lên tới 20.000 - 30.000 đồng/xe. Ngoài ra, các hàng ăn quanh đường ra vào phủ Tây Hồ cũng tha hồ hét giá vô tội vạ. Tại một số nơi khác như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giá gửi xe cũng lên tới 20.000 đồng/xe máy, những nơi khác thấp nhất cũng có giá 10.000 đồng, cao hơn rất nhiều lần so với quy định.

Tại chùa ông Núi (Bình Định) vẫn còn xuất hiện tình trạng bói toán, mê tín dị đoan, hay những sòng bạc được đặt lên để sát phạt nhau qua các con bài tú lơ khơ... song không có cơ quan chức năng nào ngăn cấm. Những khoảng tối này đã phần nào làm giảm bớt đi nét tôn nghiêm vốn có tại các điểm thờ tự cũng như làm giảm hình ảnh đẹp tại các lễ hội văn hóa của dân tộc.

PV
(tổng hợp)