02:16 07/02/2018

Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo

Sát ngày Tết ông Công, ông Táo, hầu hết các gia đình đều đã bắt tay vào chuẩn bị đồ cúng lễ thật tươm tất để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Không khí mua sắm đồ lễ ông Công, ông Táo đã rất nhộn nhịp.

Nhộn nhịp mua bán vàng mã, cá chép


Ngày 7/2 (22 tháng Chạp), không khí sắm sửa chuẩn bị cho ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời đã rất rộn ràng.


Tại Phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội), người đến xem và mua đồ vàng mã, sắm Tết đông đến tắc dài cả tuyến phố. Các mặt hàng vàng mã như: Mũ, hài, quần áo, tiền vàng… được bày bán rất nhiều, không khí mua sắm cũng rất nhộn nhịp.


Bà Tống Thanh Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Năm nào cũng khoảng ngày 21, 22 tháng Chạp là tôi lên phố Hàng Mã để mua vàng mã, đồ lễ… chuẩn bị cho ngày 23 tháng Chạp, cúng ông Công, ông Táo về trời. Thời điểm này, người đến đây mua sắm đã rất đông vì nhiều gia đình đã bắt đầu tiễn ông Công, ông Táo từ hôm nay, ngày mai chắc sẽ còn đông hơn nữa. Năm nay tôi thấy mũ ông Công, ông Táo có nhiều mẫu mã đẹp, tuy giá hơi đắt hơn một chút".


Chủ một cửa hàng vàng mã ở phố Hàng Mã cho biết: Năm nay, mẫu mũ ông Công, ông Táo làm bằng chất liệu giấy đẹp khá đắt, có giá từ 120.000- 180.000 đồng/bộ tùy loại to nhỏ; còn với các bộ mũ bằng chất liệu giấy bình thường các cỡ to, nhỏ có giá từ 40- 60.000 đồng/bộ. Nhiều gia đình sắm lễ rất tươm tất, thậm chí tốn tới tiền triệu để sắm đồ lễ cúng ông Công, ông Táo.

Phố Hàng Mã nhộn nhịp người mua sắm.


Mũ ông Công, ông Táo năm nay có nhiều mẫu mã đẹp, giá khá cao.

Nhiều người lựa chọn mua đồ lễ rất cẩn thận.


Ngoài mũ và các hàng vàng mã, cá chép đỏ cũng được bày bán rất nhiều tại các chợ để người dân mua về cúng ông Công, ông Táo. Trời lạnh nên hầu hết mới chỉ có những người làm lễ cúng ông Công, ông Táo trong ngày hôm nay mua cá, phần lớn để sáng 23 tháng Chạp mua vì sợ cá bị lạnh. 

Một hàng bán cá chép đỏ tại chợ Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Những chú cá chép đỏ đã sẵn sàng tại các chợ để cúng ông Công, ông Táo.


Nhiều người đã mua cá để cúng ông Công, ông Táo sớm từ hôm nay.


Thị trường TP. Hồ Chí Minh vẫn khá ảm đạm 


Còn tại TP Hồ Chí Minh, các sản phẩm đồ cúng để đưa ông Táo về trời năm nay khá phong phú tuy nhiên sức mua lại đìu hiu so với năm ngoái.

Không khí sắm đồ lễ ông Công, ông Táo tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn khá ảm đạm.

Ghi nhận của phóng viên trong ngày 22 tháng Chạp, giá các loại vàng mã tăng nhẹ khoảng 5 - 10%. Theo đó, giá một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo loại trung bình là 50.000 - 120.000 đồng tùy theo kích cỡ, những bộ có kích cỡ lớn giá tiền cao thường được khách hàng đặt trước. Giấy vàng mã hình ông Táo dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/bộ,  hương cúng ông Táo dao động từ 1.000 - 10.000 đồng/3cây…


Trong khi đó, các mặt hàng vàng mã hiện đại như: nhà lầu, biệt thự, xe hơi, điện thoại…có giá khá cao từ 150.000 - 600.000 đồng/bộ. Mặc dù vậy, năm nay rất ít khách lựa chọn mặt hàng vàng mã hiện đại. Nếu khách hàng mua hàng vàng mã hiện đại, họ lại chọn những loại vàng mã bình dân và được đóng gói sẵn với giá khoảng 10.000-120.000 đồng/ bộ.Những loại vàng mã có quần áo, kèo lèo, hoa được bán trọn gói có giá từ 20.000- 50.000 đồng/bộ cũng được khá nhiều khách hàng lựa chọn.


Theo những tiểu thương kinh doanh vàng mã tại chợ đầu mối Bình Tây (quận 6), năm nay, giá các sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo có tăng nhẹ tuy nhiên sức mua lại khá yếu. Hiện, khách hàng chỉ mua những lễ vật truyền thống trong lễ cúng ông Công, ông Táo như: mũ mão, quần áo, cá chép giấy...Trong khi đó, các sản phẩm hiện đại như nhà lầu, xe hơi….lại khá kén khách vì giá các sản phẩm này khá cao.


Chị Nguyễn Thu Dịu, tiểu thương bán hàng vàng mã tại quận Thủ Đức cho biết, kinh tế khó khăn vì thế nhiều gia đình cũng tiết kiệm chi tiêu. “Hiện nay, đa số người dân khi mua sắm thường chỉ mua những mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, tôi cũng chọn các mặt hàng truyền thống có giá cả phải chăng để bán được hàng cho người tiêu dùng”, chị Thu Dịu cho biết thêm.


Ghi nhận tại chợ truyền thống như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ chợ Phước Bình (quận 9)… thông thường vào ngày ông Công ông Táo, hàng bán trái cây bày bán chật kín các lối đí, không còn lối đi, nhiều tiểu thương năm ngoái không có hoa quả để bán. Tuy nhiên năm nay, các loại hoa, trái cây đã sẵn sàng, có những cửa hàng còn tăng lượng hàng gấp 2 - 3 năm ngoái nhưng sức mua hiện chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái.


Được xem là sản phẩm đi lại của các ông Táo khi về trời, các chép sống cũng được bày bán khá nhiều tại chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Giá mặt hàng này không tăng so với năm ngoái. Giá cá chép vàng loại trung dao động với giá 10 - 15.000 đồng/con, khách mua một bịch 3 con có giá từ 30.000-45.000 đồng/bịch.


Chị Vũ Minh, tiểu thương bán cá tại chợ Phước Bình (quận 9) cho biết, tình hình buôn bán năm nay rất ế ẩm, cả buổi sáng sạp của chị Minh mới bán được khoảng 60 con mà phải liên tục giảm giá liên tục để đẩy hàng. So với năm ngoái, giờ này đã bán hết vài trăm con.


Theo lý giải của các tiểu thương, sức mua năm nay yếu là do, người TP Hồ Chí Minh thường không sắm sửa lễ nghi cầu kỳ cho ngày đưa ông Táo về trời nên thị trường này nhiều năm trở lại đây không có sự náo nhiệt, rình rang như cách đây mấy năm. Nhịp sống đô thị vội vã của TP Hồ Chí Minh cũng khiến cho những loại trà bánh đặc trưng cúng ông Táo của miền Nam như: bánh in, thèo lèo, chè, xôi, trà, hoa... dần dần bị giản lượt bớt.


Theo tập tục truyền thống của người Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp ông Táo phải thu xếp lên trời báo cáo tình hình của gia chủ dưới hạ giới. Để đưa ông Táo về trời, mâm cơm tiễn đưa Táo quân thường có : 2 mũ Táo ông, 1 mũ Táo bà, 3 con cá chép để hóa rồng bay về trời trình việc với Ngọc Hoàng. Ngoài ra còn có trà, bánh in, mứt, kẹo thèo lèo và xôi chè. Ngày nay, nhiều gia đình có quan niệm mới, muốn cho ông Táo đi lại thuận tiện nên hóa vàng cả xe hơi, xe máy, tàu rồng...cho ông Táo về trời.


Tạ Nguyên- Hoàng Tuyết/Báo Tin tức