09:07 22/09/2022

Romania muốn mua hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel

Romania rất muốn sở hữu hệ hống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel, tờ Haaretz của nước này đưa tin hôm 20/9.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng không Vòm Sắt khai hỏa đánh chặn tên lửa từ Dải Gaza ở Ashkelon, Israel năm 2014. Ảnh: AP

Theo nguồn tin, Bộ trưởng Quốc phòng Romania Vasile Dincu bày tỏ mong muốn trên dù chưa rõ thoả thuận mua bán có diễn ra hay không. Các nguồn thạo tin cho biết nếu đạt được thoả thuận này, Romania sẽ trở thành quốc gia NATO đầu tiên sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel. Thông tin trên được đưa ra sau chuyến thăm Israel của ông Dincu vào tuần trước.

Trong buổi trả lời phỏng vấn với tờ Haaretz, Bộ trưởng Quốc phòng Dincu không đề cập đến hệ thống Vòm Sắt, nhưng ông cho biết Romania mong muốn cải thiện hợp tác quân sự và an ninh với Israel trong nhiều lĩnh vực. Ông giải thích: “Chúng tôi muốn học hỏi từ Israel. Với kinh nghiệm của mình, Israel có thể hiểu rõ hệ thống phòng thủ tốt nhất trên thế giới này”.

Vòm Sắt là hệ thống đánh chặn tên lửa do công ty Rafael Advanced Defense Systems và Aerospace Industries của Israel phát triển, với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Mỹ. Lần đầu tiên được đưa vào trang bị năm 2011, nó được thiết kế để ngăn chặn các loại tên lửa và pháo tầm ngắn.

Mới đây nhất, Israel đã sử dụng hệ thống Vòm Sắt trong chiến dịch kéo dài 3 ngày đối phó với Lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine hồi tháng 8. Israel tuyên bố rằng các radar và khẩu đội tên lửa của họ đã phát hiện và đánh chặn 97% số tên lửa được phóng từ vùng Gaza của lực lượng Palestine.

Song dù có hiệu quả rõ ràng, Israel vẫn chưa tìm được nhiều khách hàng nước ngoài mua hệ thống này. Trong khi một số quốc gia - bao gồm Canada, Phần Lan, Ấn Độ và Singapore - đã mua các linh kiện radar của Vòm Sắt, chỉ có Mỹ và Azerbaijan được xác nhận là đã mua các khẩu đội tên lửa của hệ thống này. Trong đó, Washington đã mua 2 khẩu đội. Theo các báo cáo gần đây, hồi tháng 8, Cộng hoà Síp đã đồng ý mua Vòm Sắt, trong khi Đức cũng đang cân nhắc mua lại hệ thống này.

Mối quan tâm của Romania đối với vũ khí của Israel còn liên quan đến vấn đề tài chính. Các nhà máy ở nước này đã sản xuất các linh kiện cho máy bay không người lái, tháp pháo và các thiết bị khác của Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Romania Dincu cũng muốn mở rộng lĩnh vực này và bán vũ khí của Israel cho các đồng minh NATO của mình.

Song do Mỹ là nước đồng chế tạo Vòm Sắt, bất kỳ thoả thuận bán hệ thống này cho nước ngoài đều cần có sự chấp thuận của Washington.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)