07:06 23/07/2016

Rơm vàng một thuở

Tình cờ tôi gặp lại hình ảnh mùa lúa chín vàng của đứa em đăng lên mạng xã hội trong chuyến đi tình nguyện vùng cao. Màu lúa chín vô tình đánh thức ký ức trong tôi về miền quê yên ả và êm đềm. Những sợi rơm vương vít một thời ấu thơ tươi đẹp.

Trẻ con chúng tôi ngày ấy còn gì vui hơn khi chờ đợi khoảnh khắc những xe lúa được chở về và tuốt sạch? Nhà nào nhà nấy, từng ụn rơm cao chất cao ngút. Chúng tôi trèo lên ụn rơm đùa cười ngả nghiêng. Tôi hiếu động, chân sáo, trèo tót lên chỏm rơm cao nhất rồi làm động tác co chân nhảy dập dềnh, có khi nhảy sung quá ngã lăn kềnh lúc nào không hay. Nhưng không đau, vì đã có “nệm” rơm êm ái bao dung. Tôi đùa với chúng bạn rằng, đó là chiếc nệm êm nhất mà tôi từng được thấy. Nằm trên nệm rơm, ngước mắt nhìn lên bầu trời xanh ngắt, cầm một cọng rơm vừa tuốt xong, đặt ngang mũi hương lúa vẫn còn thoang thoảng quyện mùi bùn quê ngai ngái.

Mùa rơm nào ngoại cũng nhặt nhạnh những sợi rơm to chắc làm những cái chổi be bé dùng phủi bụi bàn thờ tổ tiên, quét dọn chái bếp sau hè. Tôi cũng lần mò tỉ mẩn tuốt khỏi áo rơm cái lõi dai vàng óng rồi bó thành từng con rơm to bằng ngón chân cái xếp ngay ngắn trên nền bếp. Ngoại vừa làm vừa dạy tôi bài hát có những câu: “Một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm, bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ...” Miệng ngoại bỏm bẻm nhai trầu, còn tay thì thoăn thoắt tuốt lõi, bện rơm. Từ những sợi rơm, ngoại dạy tôi quý trọng những người làm ra hạt thóc, biết sẻ chia nhọc nhằn với ruộng đồng.

Ngoại cũng không quên tết những con búp bê bằng rơm cho những đứa cháu. Cầm búp bê rơm trên tay, lòng tôi khấp khởi vui mừng, chạy đi khoe với lũ bạn. Nhìn ánh mắt chúng nó ghen tỵ thèm thuồng, tôi lại càng trân quý hơn món quà ngoại làm. Ngày ngoại về với ông bà tổ tiên, mỗi lần nhớ về người tôi lại mang búp bê rơm ra ngắm nhìn. Búp bê rơm không biết nói, nhưng những lời bà dặn dò, thủ thỉ vẫn còn đấy, theo suốt bên tôi. Những sợi rơm vàng trên tay ngoại mãi đan vào tâm hồn tôi một thế giới tình cảm rộng lớn.

Khắp ngõ làng đều bồng bềnh bởi lớp đệm rơm êm ái. Đi giữa con đường xào xạc rơm, chỉ muốn đi thật chậm để tận hưởng khoảnh khắc thư thái, hít hà cho đầy lồng ngực mùi rơm, mùi đồng quê quyện lẫn. Rơm khô, được chất cao lại thành ụn lớn để dành cho trâu bò vào ngày nông nhàn hoặc mùa đông rét mướt. Thuở đói nghèo, mẹ tôi kể ông ngoại còn sáng chế những tấm nệm rơm ủ ấm cho cả nhà trong những đêm đông giá lạnh. Giấc ngủ của cả nhà cũng bớt lạnh hơn nhờ những cọng rơm thần kỳ. Ngày ấy, chưa có bếp gas, bếp điện như bây giờ, rơm là chất đốt quanh năm trong chái bếp của mẹ. Chúng tôi lớn lên ăn chín uống sôi cũng nhờ tất cả vào rơm. Hàng xóm tối lửa tắt đèn, thì cầm nùi rơm sang nhà bên cạnh xin lửa. Tình làng nghĩa xóm gắn chặt cũng nhờ những điều giản dị như thế.

Nhớ đến rơm vàng là nhớ tuổi thơ, nhớ những năm tháng miền quê còn nghèo, người nông dân cực nhọc, cuộc sống dung dị đơn sơ, nhưng đó là miền quê rất đỗi bình yên, tình cảm làng xóm nồng ấm. Giờ đây, ở quê ít dần những hộ dân làm ruộng, hoặc có chăng làm thì cũng thu hoạch lúa ngay ngoài đồng. Những ụn rơm nằm chỏng chơ ngoài ruộng, đợi nắng lên rồi đốt thành tro. Con đường làng chẳng thấy một bóng dáng cọng rơm. Vẫn biết rằng, cuộc sống ngày một thay đổi nhưng lòng tôi vẫn luyến tiếc những ngày thơ. Cọng rơm vàng với những ký ức ngọt ngào!

Quyền Văn