06:10 20/06/2012

Rio+20 hướng tới tương lai bền vững

Rio+20 nhấn mạnh tới 7 lĩnh vực cần ưu tiên quan tâm để phát triển bền vững, đó là: việc làm, năng lượng, thành phố, an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, nước, đại dương và khả năng sẵn sàng đối phó với thiên tai.


Từ ngày 20 đến 22/6, thành phố Rio de Janeiro của Braxin lại trở thành tâm điểm của thế giới khi các nguyên thủ và đại diện của 190 trong tổng số 193 thành viên của Liên hợp quốc (LHQ) hội tụ về đây tham dự Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững (Rio+20) - sự kiện được kỳ vọng sẽ trở thành hội nghị quan trọng nhất của tổ chức quốc tế này cho tới nay. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn.

 

Mọi ngả đường đều dẫn đến… Rio

 

Hội nghị LHQ về phát triển bền vững lần thứ nhất, cũng được biết với cái tên Hội nghị thượng đỉnh Trái đất, gọi tắt là Rio-92 hoặc Eco-92, được tổ chức năm 1992, cũng tại Rio de Janeiro.

 

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Rio de Janeiro về môi trường và phát triển và Chương trình nghị sự 21- một kế hoạch chi tiết về tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Với hội nghị này, phát triển bền vững được đưa vào chương trình nghị sự của các nước trên thế giới.

 

Lô gô của Hội nghị Rio+20. Ảnh Internet.

Hai thập kỷ sau sự kiện quan trọng đó, thành phố của lễ hội Carnaval lại được chọn đăng cai hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 của LHQ về phát triển bền vững.

 

Ngoài đại biểu từ các chính phủ, thành phố lớn thứ hai Braxin này còn chào đón đại diện của khu vực doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự…

 

Theo dự kiến, khoảng 50.000 người đến từ khắp thế giới sẽ tham gia các hoạt động này. Song song và xen kẽ với các cuộc họp chính thức là các sự kiện bên lề gồm các hội nghị, triển lãm, các bài thuyết trình, hội chợ và họp báo của các quốc gia.

 

Cơ hội của cả một thế hệ

 

Rio+20 là diễn đàn để các chính khách, đại diện các giới doanh nghiệp, nông dân, các nhà khoa học, người bản xứ, công đoàn, thanh niên, phụ nữ,… đánh giá kết quả thực hiện những cam kết và thỏa thuận đạt được từ hội nghị lần thứ nhất cách đây 20 năm và thảo luận các biện pháp phát triển một nền kinh tế xanh góp phần giảm nghèo đói, thúc đẩy công bằng xã hội và bảo vệ môi trường tại hành tinh ngày càng trở nên chật chội trong hai thập kỷ tới.

 

Tại hội nghị chính thức, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào 2 chủ đề chính là cải thiện khuôn khổ thể chế để phát triển bền vững và phát triển nền kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững và xóa đói nghèo.

 

Các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ bàn và xác định các mục tiêu cũng như các chỉ số mới về phát triển bền vững, đổi mới phương thức tài trợ và các biện pháp nhằm nhanh chóng loại bỏ các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững hiện nay.

 

Theo Ban tổ chức, công việc chuẩn bị cho Rio+20 nhấn mạnh tới 7 lĩnh vực cần ưu tiên quan tâm để phát triển bền vững, đó là: việc làm, năng lượng, thành phố, an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, nước, đại dương và khả năng sẵn sàng đối phó với thiên tai.

 

Diễn ra vào thời điểm thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, như kinh tế lâm vào khủng hoảng, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, đa dạng sinh học suy giảm và các hệ sinh thái tự nhiên suy thoái, Rio+20 lại càng có ý nghĩa và được đánh giá là cơ hội vàng để cộng đồng quốc tế định hướng chính sách và hành động thúc đẩy phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

 

Đúng như nhận xét của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Rio+20 là cơ hội chỉ có một lần trong một thế hệ con người để đặt thế giới vào con đường phát triển bền vững và phổ quát, trong đó các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi được cân bằng.

 

Nhọc nhằn xác định "Tương lai mà chúng ta mong muốn”

 

Hội nghị dự kiến sẽ thông qua văn bản chính trị có tên “Tương lai mà chúng ta mong muốn”. Mặc dù các cuộc thảo luận phải kéo dài thêm 5 ngày để thu hẹp khoảng cách cũng như điều chỉnh lập trường, các nước và các khối nước vẫn không đạt được sự đồng thuận về văn bản trên và phải tiếp tục thương thảo thêm tại phiên họp trù bị từ ngày 13-15/6.

 

Một trong những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận là văn bản chính trị nên giữ hoặc loại bỏ các nguyên tắc đã đạt được trong các cuộc thương lượng về môi trường từ năm 1992.

 

Trong khi một số nước muốn văn bản cuối cùng tái khẳng định những nguyên tắc trên, nhưng một số nước lại phản đối. Những ý kiến phản đối chủ yếu đến từ các nước giàu có và phát triển. Những nước này không nhất trí với việc các nước giàu phải có trách nhiệm lớn hơn bất chấp việc họ tàn phá môi trường nhiều hơn, nhưng hậu quả thì các nước nghèo lại phải hứng chịu. 

 

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều nước phát triển muốn rút lại các cam kết thúc đẩy phát triển bền vững là vì vào thời điểm này họ đang lâm vào khủng hoảng kinh tế. Đây cũng được cho là một trong những lý do khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron sẽ không có mặt tại Rio+20.

 

Tuy nhiên, trên cương vị nước chủ nhà và là một trong những “phát ngôn viên” của Nhóm 77 tập hợp các nước đang phát triển, Braxin phản đối việc xem xét lại những thỏa thuận đã đạt được tại Rio-92 cũng như tại các cuộc thương thuyết đa phương khác về môi trường.

 

Một số vấn đề bất đồng khác là nguồn tài trợ để phát triển bền vững tại các nước đang phát triển, và Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) sẽ thay thế Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) sau khi tiến trình thực hiện các mục tiêu này kết thúc vào năm 2015.

 

Ngay cả khái niệm “nền kinh tế xanh” cũng được mỗi nước hiểu theo cách riêng của mình. Các tổ chức dân sự lo ngại các tập đoàn tư bản núp dưới ngọn cờ “kinh tế xanh” để chiếm đoạt tài nguyên không phải của riêng ai mà là của nhân loại, còn các nước đang phát triển lo ngại rằng các nước phát triển sử dụng chiêu bài “kinh tế xanh” để áp đặt rào cản thương mại hoặc điều kiện viện trợ cho họ.

 

Tất cả những bất đồng trên khiến văn bản cuối cùng của Rio+20 có nguy cơ trở thành một tuyên bố nhạt nhẽo với những nội dung rất chung chung. Thế nhưng, dư luận vẫn hy vọng thái độ “chần chừ” có thể chỉ là chiến thuật để hạn chế sự nhượng bộ trước khi đạt được một thỏa thuận có thể chấp nhận được cho tất cả các bên vào phút chót.


Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Áchentina)