10:22 10/10/2011

Rau dân dã thành rau... đặc sản

Hiện nay, ở các vùng ngoại thành Hà Nội, nhiều loại rau vốn được coi là dân dã, thường được dùng trong những bữa ăn quen thuộc ở làng quê như rau lang, rau rút..., đang thực sự trở thành những loại rau đặc sản, luôn bán được giá và rất “hút hàng”.

Hiện nay, ở các vùng ngoại thành Hà Nội, nhiều loại rau vốn được coi là dân dã, thường được dùng trong những bữa ăn quen thuộc ở làng quê như rau lang, rau rút..., đang thực sự trở thành những loại rau đặc sản, luôn bán được giá và rất “hút hàng”.

Cánh đồng rau rút.Ảnh: Internet


Tại một số xã của các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây..., rau lang là loại rau thường được những người chuyên nghề thu gom các loại rau, củ, quả mua, vét đưa về bán buôn tại các chợ dân sinh trong khu vực nội thành Hà Nội. Theo một số hộ chuyên trồng khoai lang ở xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ: Với chất đất cát pha ven sông, gần 20 ha khoai lang của người dân ở đây không chỉ cho củ mà còn cho ngọn rau lang rất to, mập, giòn, được ưa chuộng.

Ngày càng nhiều thương lái tìm về đặt hàng, thu mua rau và củ khoai lang với số lượng lớn, bà con trồng đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đấy. Nhiều khách thậm chí phải đặt tiền trước mới có rau để mua. Người trồng khoai lang ở Võng Xuyên chỉ lo không có đủ ngọn rau để bán. Với giá bán mỗi mớ rau khoai lang ngay tại vườn là 1.000 đồng, mỗi vụ khoai, chưa kể phần củ, người trồng có thể thu hàng chục triệu đồng/ha từ bán rau khoai

Tại xã Đồng Thái, nơi có truyền thống trồng khoai lang từ nhiều năm nay của huyện Ba Vì, bà con cũng cho biết: Rau khoai lang không chỉ được chính người dân trong xã đem đi bán ở các chợ trong huyện, đem vào một số chợ đầu mối như: Hà Đông, Ngã Tư Sở mà còn mang sang cả Hòa Bình, Việt Trì bán và rất đắt hàng. Một số nhà hàng ở thị xã Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ còn cho người về mua tận nơi để chế biến thành các món rau, nộm đặc sản.
Bên cạnh rau khoai lang, rau rút cũng là một trong những loại rau dân dã, vốn quen thuộc ở các hồ, ao khu vực nông thôn, đang được ưa chuộng trên thị trường Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận.

Xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất có nhiều hộ nông dân tận dụng diện tích mặt nước của gia đình, ngoài thả cá còn kết hợp với thả rau rút, cho hiệu quả kinh tế rất cao. Với giá hiện tại khoảng 3.000 - 5.000 đồng/mớ (mỗi mớ khoảng 5 - 7 ngọn to), mỗi tháng thu từ 5 - 6 lứa rau, người trồng rau có thể thu được tiền triệu từ một sào trồng rau rút mỗi tháng.

Theo Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất: Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng hiện nay ở các xã Hương Ngải, Dị Nậu, Canh Nậu, Liên Quan, thị trấn Phú Kim... đều có rất nhiều ao, hồ, ruộng trũng được nông dân thả rau rút để bán lẻ tại các chợ hoặc bán buôn cho những người chuyên mang rau vào nội thành Hà Nội “đổ” hàng cho các sạp rau ở chợ dân sinh. Rau rút là loại rau thủy sinh, rất dễ trồng và chăm sóc, ít bị sâu bệnh lại có vị thơm, bùi đặc trưng, được không ít nhà hàng cao cấp thu mua ổn định, để đưa vào thực đơn của mình.

Thanh Trà