11:23 10/11/2011

Rào giậu

Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 3/11 vừa qua đã gây chấn động dư luận. Cháu bé vừa mới sinh 2 ngày tuổi bị bắt cóc tại một bệnh viện ngay giữa trung tâm Thủ đô khiến không ít người bàng hoàng.

1.Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 3/11 vừa qua đã gây chấn động dư luận. Cháu bé vừa mới sinh 2 ngày tuổi bị bắt cóc tại một bệnh viện ngay giữa trung tâm Thủ đô khiến không ít người bàng hoàng. Những sản phụ đang nằm viện và những phụ nữ chuẩn bị sinh nở không khỏi lo âu; còn những bà mẹ đã sinh con tại bệnh viện không khỏi giật mình nghĩ lại những “sơ hở chết người” khi nằm viện.
Đại phúc là cháu bé đã tìm lại được nhờ tài năng và sự vào cuộc ráo riết của Công an Hà Nội.

2.Đại phúc cho gia đình cháu bé, đã đành; đây còn là đại phúc cho Hà Nội bởi nếu không tìm được cháu bé, người ta sẽ nghĩ gì về an ninh của Thủ đô. Nhưng tôi nghĩ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói riêng và ngành Y tế nói chung có lẽ cũng coi đây là phúc lớn không kém gì gia đình cháu bé.

3.Trước khi xảy ra vụ việc cháu bé bị bắt cóc, dư luận và người nhà bệnh nhân đã kêu ca nhiều về tình hình an ninh trong bệnh viện; chuyện mất tiền nong, trang sức, vật dụng… đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đã vào viện thì đầu óc bệnh nhân và người nhà chỉ còn nghĩ đến bệnh tình, nên chuyện hớ hênh là điều khó tránh khỏi. Mà không hớ hênh thì cũng khó có điều kiện bảo quản tài sản của mình khi bệnh viện đông như nêm cối, người nhà bệnh nhân ra vào thường xuyên, thậm chí là rất lộn xộn và những tình huống bất thường xảy ra khiến người nhà con bệnh chỉ còn biết “cứu người là trên hết”.

4.Cũng không thể đổ hết lỗi cho bệnh viện khi mà các cơ sở y tế luôn trong tình trạng quá tải và “người nhà đông hơn người bệnh”; nhưng những sơ hở trong quy trình quản lý của bệnh viện dẫn đến vụ bắt cóc cháu bé nói trên là không thể biện minh. Chính vì thế, ngay sau khi vụ việc xảy ra, không chỉ Bệnh viện Phụ sản Trung ương mà nhiều cơ sở y tế đã phải xem lại công tác quản lý, an ninh và đề ra những giải pháp tình thế để bảo đảm an toàn cho trẻ sơ sinh.

5.Có người nói: “Mất của mới rào giậu!”. Để sự việc xảy ra rồi mới “chấn chỉnh”, “siết chặt”… là việc làm quá muộn. Nhưng cũng như người đời thường nói, muộn còn hơn không! Chỉ mong các bệnh viện “rào giậu” sao cho chặt để người bệnh vào bệnh viện không còn phải nơm nớp lo giữ con, giữ của.
Và thiết nghĩ, sự việc trên không chỉ là bài học cho ngành Y tế mà là bài học chung cho nhiều ngành, đừng để “mất của mới lo rào giậu”.

T.D