03:07 13/03/2020

Rác thải y tế chất như núi tại Trung Quốc sau đợt cao điểm bùng phát dịch COVID-19

Hơn 20 thành phố trên khắp Trung Quốc Đại lục đang phải đối mặt với tình trạng ùn ứ rác thải y tế. Đặc biệt tại Vũ Hán – tâm điểm bùng phát dịch COVID-19 – lượng rác thải y tế tăng gấp 6 lần so với thông thường.

Chú thích ảnh
Rác thải y tế tại bệnh viên Liên minh Vũ Hán đang chờ được xử lý. Ảnh: Xinhua

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn nguồn tin từ Bộ Môi trường và Sinh thái học cho biết các cơ sở xử lý rác thải y tế ở 28 thành phố đang phải hoạt động hết công suất.

“Các bệnh viện ở Vũ Hán – thành phố có 11 triệu người sinh sống và có số người chết chiếm 80% số ca tử vong vì COVID-19 tại Trung Quốc Đại lục - đã thải ra khoảng 240 tấn rác thải y tế mỗi ngày trong đợt cao điểm bùng phát dịch bệnh, cao hơn gấp nhiều lần so với thời kỳ trước khi dịch bệnh xảy ra với 40 tấn rác thải”, ông Zhao Qunying, người đứng đầu Văn phòng khẩn cấp của Bộ Môi trường và Sinh thái học, cho biết.

Để đối phó với tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai 46 cơ sở xử lý rác thải lưu động tới thành phố Vũ Hán và xây dựng tại đây một nhà máy mới với công suất 30 tấn trong vòng 15 ngày.

“Chúng tôi cũng đã nâng cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại để xử lý rác thải y tế ngay tại thời điểm này”, ông Zhao nói và cho biết các biện pháp này được đưa ra nhằm tăng công suất xử lý chất thải của thành phố từ 50 tấn một ngày lên hơn 263 tấn một ngày.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ xử lý rác thải y tế tại một cơ sở đốt rác ở Thành Đô, Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra đã lây nhiễm cho hơn 80.000 người, khiến 3.000 người tử vong ở Trung Quốc và đã lan sang hơn 100 quốc gia trên thế giới. Ông Zhao không nêu rõ chi tiết quy trình xử lý rác thải y tế ở những thành phố đang bị quá tải, tuy nhiên vấn đề xử lý rác thải y tế thiếu hiệu quả từ lâu đã được nhiều người lo ngại tại quốc gia này.

“Theo Cục Thống kê quốc gia, có hơn 2 triệu tấn rác thải y tế đã được thải ra môi trường năm 2018. Nhưng 76 thành phố đã không xử lý kịp thời”, ông Hu Longhua tại Trung tâm Quản lý Hóa chất và Chất thải rắn, chi biết.

“Những vật tư y tế đã qua sử dụng được thải ra từ các bệnh viện sẽ được phân loại thành rác thải y tế, chúng sẽ được đưa đến bãi rác hoặc được đốt sau khi khử trùng. Trong khi những loại rác thải được thu thập riêng từ các hộ gia đình có người nhiễm bệnh vẫn được coi là rác thải gia đình”, Liu Lifeng, Phó trưởng phòng Phát triển đô thị thuộc Bộ Nhà ở và Phát triển nông thôn – đô thị, nói.

Trong khi Chính phủ Trung Quốc khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang ở những nơi công cộng để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhiều người lo ngại điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng rác thải y tế tăng đột biến.

Chú thích ảnh
Nhân viên của một công ty phải làm thêm giờ để tăng nguồn cung sản phẩm khẩu trang y tế. Ảnh: News.cn

Theo Uỷ ban Cải cách và Phát triển quốc gia, vào cuối tháng 2, Trung Quốc đã sản xuất khoảng 116 triệu tấn khẩu trang mỗi ngày, tăng gấp 12 lần so với đầu tháng. Không rõ có bao nhiêu rác thải khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bỏ hàng ngày, nhưng nguồn cung mặt hàng này vẫn còn hạn chế và hầu hết người dân trên cả nước chỉ có thể mua một số lượng giới hạn trong một thời điểm được chỉ định.

Hải Vân/Báo Tin tức