04:11 19/04/2011

Rác “đi đâu về đâu”?

Có một điểm chung trong rất nhiều sự kiện ở Hà Nội, điểm chung đáng buồn: Ấy là vấn đề rác thải. Trong con mắt của nhiều người nước ngoài, điểm yếu nhất của Hà Nội cũng chính là rác thải.

Có một điểm chung trong rất nhiều sự kiện ở Hà Nội, điểm chung đáng buồn: Ấy là vấn đề rác thải. Trong con mắt của nhiều người nước ngoài, điểm yếu nhất của Hà Nội cũng chính là rác thải.

Gần đây nhất, tại Lễ hội hoa anh đào ở Trung tâm hội chợ triển lãm Giảng Võ; trong rất nhiều lời khen (không còn chuyện bẻ cành ngắt hoa, nhiều người tham dự đã nhiệt tình quyên góp, ủng hộ nhân dân Nhật Bản...) thì vẫn còn vĩ thanh không vui về rác. Dù ban tổ chức đã khéo léo tuyên truyền bằng cách cử “siêu nhân” trưng biển đề nghị bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, nhưng rác thải vẫn cứ bị xả vô tội vạ, làm khổ các tình nguyện viên đi thu dọn.

Còn cách đây ít ngày, dân chúng xúm xít xem việc “giải cứu” Rùa Hồ Gươm, xem xong, người đi, rác ở lại, nổi lềnh bềnh đầy mặt hồ, bờ hồ. Và ngay đầu tuần này, độc giả Thủ đô tá hỏa trước thông tin, Hà Nội sắp hết chỗ đổ rác và với lượng rác sinh hoạt như hiện nay, chỉ cần các bãi rác đóng cửa 3 ngày là thành phố sẽ ngập ngụa.

Có một sự thật là chúng ta đang mải lo cho “đầu vào”- làm ra của cải, vật chất, mà chưa quan tâm đúng mức cho “đầu ra” là rác. Hà Nội đã có dự án 3R phân loại rác, có những cố gắng trong việc giải quyết vấn đề rác thải, nhưng những cố gắng đó là chưa đầy đủ và chưa đồng bộ. bằng chứng hài hước nhất nhưng cũng rõ rệt nhất, là việc ném xác chuột chết ra đường phố ở Hà Nội, phổ biến và “nổi tiếng” đến mức được vào nhiều tiểu phẩm văn học nghệ thuật, sân khấu...

Để giải quyết triệt để vấn đề rác thải cho Hà Nội, cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ và khẩn trương. Trước mắt, Hà Nội phải lo ngay vấn đề xử lý rác. Hiện nay, hầu hết rác của thành phố được xử lý bằng cách chôn lấp, nhưng dù đã áp dụng nhiều biện pháp (trải vải lót đặc chủng, xử lý hóa chất...), các bãi rác vẫn rất mất vệ sinh, gây ô nhiễm, làm khổ người dân quanh đó, lại tốn diện tích. Đã đến lúc cơ quan chức năng không nên chần chừ, đắn đo nữa mà cần chọn ngay công nghệ hiện đại (đốt rác, ép rác...) để các sản phẩm “đầu ra” được xử lý triệt để, hợp vệ sinh. Những chế tài xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, làm bẩn thành phố cũng cần được tăng cường. Và về lâu về dài, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, điều chỉnh hành vi xả rác phải được tiến hành thường xuyên hơn, tích cực hơn, cho mọi đối tượng, mà quan trọng nhất là thế hệ “chủ nhân tương lai của đất nước” ngay từ lứa tuổi mầm non.

Người ta vẫn nói câu “coi như rơm như rác” với nghĩa coi thường rác. “Đầu vào” dĩ nhiên là cực kỳ quan trọng nhưng “đầu ra”- rác thải, cho đến nay đã rõ là không thể xem thường. Nếu không bắt tay ngay vào việc giải bài toán “rác đi đâu về đâu”, có ngày chính chúng ta sẽ ngập trong hậu quả.

Hà Nguyễn