Sáng 9/12, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo công bố Hệ thống dữ liệu không gian dân số và phát triển, một công cụ số hóa các dữ liệu cập nhật về Tổng điều tra dân số và các chỉ tiêu về kinh tế phát triển, được phân bổ theo các đơn vị hành chính nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng.
Nguồn thông tin quý về dân số, kinh tế-xã hội
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là nguồn thông tin vô cùng quý giá, kịp thời được Đảng, Chính phủ, bộ, ban, ngành và địa phương sử dụng trong việc đánh giá, lập kế hoạch, chiến lược, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của các địa phương. Đây cũng là nguồn thông tin quý phục vụ cho nhu cầu của người sử dụng thông tin cả trong và ngoài nước.
Để nâng cao, lan tỏa hơn nữa giá trị thông tin Tổng điều dân số và nhà ở năm 2019, Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ quý báu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) đã xây dựng trang Hệ thống dữ liệu không gian dân số và phát triển, tại địa chỉ: https://gis.gso.gov.vn
Trang thông tin được phát triển và tích hợp trên phần mềm “GIS made in Vietnam” với đầy đủ dữ liệu hành chính được cập nhật thường xuyên, nhanh chóng, chính xác.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trang thông tin điện tử được xây dựng nhằm số hóa bản đồ Việt Nam với các các dữ liệu thống kê về dân số thu thập được từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dữ liệu về môi trường, thiên tai và một số dữ liệu thống kê liên quan như thu thập bình quân đầu người (thời gian tới Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục cập nhật các dữ liệu có liên quan đến doanh nghiệp, cơ sở hành chính sự nghiệp, sản xuất kinh doanh cá thể, tôn giáo, tín ngưỡng từ Tổng điều tra kinh tế 2021 lên hệ thống này).
Trên cơ sở các dữ liệu được số hóa và định vị GPS, trang thông tin hướng đến tạo thành kho dữ liệu, giúp người sử dụng có thể tra cứu dễ dàng theo phân vùng địa lý, theo các lớp đến cấp hành chính nhỏ nhất gồm bản đồ địa hình, hành chính, giao thông, mặt nước, cứu trợ thiên tai, cơ sở y tế…
Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara cho rằng, trang thông tin đã cung cấp những bằng chứng mới nhất về các vấn đề dân số mới nổi cho hoạt động ra quyết định, đặc biệt là vấn đề già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, thông qua phân tích nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, lần đầu tiên được lồng ghép vào điều tra biến động dân số, kế hoạch hóa gia đình năm 2021.
Bà Naomi Kitahara cho biết, tính đến ngày 1/4/2021, số lượng người trên 60 tuổi ở Việt Nam chiếm 12,8% tổng dân số, tương đương 12,58 triệu người, tăng 1,17 triệu người so với năm 2019. Điều này cho thấy tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra vô cùng nhanh chóng.
Ngoài ra, bà Naomi Kitahara cũng lưu ý, khoảng 11,7% dân số cao tuổi (tương đương 1,47 triệu người) có ít nhất một dạng khuyết tật chức năng. 6,3% dân số cao tuổi cho biết họ rất khó thực hiện hoặc không thể thực hiện ít nhất một trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Khoảng 80% trong số người cao tuổi cần được chăm sóc/hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày, đã nhận được sự chăm sóc từ những người khác và phần lớn từ người thân trong gia đình, trong khi tỷ lệ được chăm sóc tại cộng đồng hoặc các cơ sở còn khá hạn chế. Những con số này cho thấy cần cải thiện các chính sách chăm sóc sức khỏe và đầu tư vào các dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi.
Nhấn mạnh già hóa dân số không chỉ do mức chết giảm và con người sống thọ hơn, mà phần lớn là do mức sinh giảm, Trưởng Đại diện UNFPA kêu gọi cần có những khuôn khổ pháp lý và chính sách kịp thời, phù hợp với các nguyên tắc của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD). Theo đó, các cá nhân và các cặp vợ chồng có thể lựa chọn một cách tự do và có trách nhiệm về số con, thời điểm và khoảng cách sinh con, có đầy đủ thông tin và cách thức để thực hiện việc này.
Bức tranh tổng thể, chi tiết về kinh tế-xã hội, dân số cả nước
Trang thông tin điện tử Hệ thống dữ liệu không gian dân số và phát triển được Tổng cục Thống kê xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của UNFPA và đóng góp từ Quỹ vì Mục tiêu phát triển bền vững chung của Liên hợp quốc (Joint SDG Fund).
Sau hơn 1 năm, với sự nỗ lực của công chức ngành Thống kê, đội ngũ chuyên gia phát triển, đặc biệt là sự đồng hành của các cán bộ UNFPA Việt Nam, đến nay trang thông tin Hệ thống dữ liệu không gian dân số và phát triển đã hoàn thiện.
Trang thông tin chứa số liệu về tọa độ địa lý của hơn 26 triệu hộ dân cư trên phạm vi cả nước. Đây là nguồn dữ liệu vô cùng quý giá và chưa từng có ở Việt Nam. Bên cạnh đó, trang thông tin cung cấp đầy đủ dữ liệu hành chính được cập nhật thường xuyên và nhanh chóng, chính xác, trải qua hàng trăm giờ kiểm thử, đảm bảo điều kiện hoạt động an toàn thông tin, toàn vẹn dữ liệu theo tiêu chuẩn ISO 27001:2013.
Truy cập vào trang thông tin, người dùng có thể quan sát được các thông tin biểu diễn theo các phân lớp bản đồ khác nhau, từ đó có thể phân tích và đánh giá các tác động tương quan giữa dân số và kinh tế xã hội.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể kết xuất số liệu dưới dạng các bảng excel, các biểu đồ hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phân tích chuyên sâu. Người dùng cũng có thể sử dụng các thiết bị tin học (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh) với các nền tảng công nghệ khác nhau để truy cập và kết xuất thông tin trên trang dữ liệu không gian về dân số và phát triển.
Trang dữ liệu này cũng được kết nối với Hệ thống giám sát thiên tai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Phòng chống thiên tai) và được tích hợp với dữ liệu không gian của các cơ sở y tế, sẽ cung cấp các thông tin hữu ích cho xây dựng các chương trình can thiệp cần thiết, bao gồm cả ứng phó với thiên tai.
Thông tin về kinh tế và phát triển cập nhật 5 năm gần nhất (2016-2020) và hằng năm, được kỳ vọng sẽ cung cấp cho các nhà lập chính sách, nhà nghiên cứu những thông tin quan trọng về dân số và vị trí địa lý của dân cư trong mối tương quan với các vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường, góp phần đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng.