04:19 13/04/2017

Ra mắt sách về giao thông Việt Nam - Xiêm La

Những ghi chép về giao thông đường thủy giữa Việt Nam - Xiêm la sẽ được hiện lên rõ ràng trong tập sách “Xiêm La quốc lộ trình tập lục” vừa được Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản.

Đại diện Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nội dung chính của cuốn sách là  tập hợp ghi chép về các con đường ở nước Xiêm La, về giao thông giữa Việt Nam –Xiêm La, về vùng biển Nam và Tây Nam Việt Nam, vùng Nam Cao Miên, vùng biển Cao Miên, bán đảo Mã Lai…

Bìa sách "Xiêm La quốc lộ trình tập lục” mới được ra mắt độc giả. Ảnh:CTV

Về địa lý tự nhiên, nội dung chép sơ lược địa hình cảnh quan, động thực vật, khoáng sản, chép kỹ về chiều rộng, độ sâu các cửa biển. Về địa lý nhân văn, có chép sơ lược về các di tích, kiến trúc, cư dân, sinh hoạt đời sống, chép rõ tình hình binh bị (các đồn ải biên phòng, quân số). Hầu hết địa danh trên đất Việt Nam viết bằng chữ Nôm, địa danh ở Cao Miên và Xiêm La phiên âm Nôm hoặc chuyển nghĩa Nôm, danh vật dùng lẫn Hán và Nôm.


Toàn văn “Xiêm La quốc lộ trình tập lục” ước khoảng 2.800.000 chữ, gồm Lời tấu (Biểu dâng sách) và sáu phần chép về sáu tuyến hành trình, tóm tắt. 


Theo đó, phần 1 là lục hành thượng lộ (đường bộ mạn trên), từ dinh Nam Vang khởi hành đến Bát Tầm Bôn (Battambang), đến thành Vọng Các (Bangkok)… các tuyến đường được ghi chép hơn 30 địa danh.


Phần 2 là lục hành hạ lộ (đường bộ mạn dưới), từ bờ biển phía đông Xiêm La, nơi hòn Dương Khảm (Ko Chang) khởi hành, đến thành Chân Bôn (Chantaburi), đến các nơi phía đông nam ven bờ vịnh Xiêm La. 


Phần 3 là nhai hải thủy trình (đường thủy ven biển): Từ cửa Ba Thắc (Bassac) sông Hậu khởi hành, theo bờ biển qua Hòn Khoai, qua Rạch Giá, Hà Tiên, Kompong Som, ven theo bờ biển Xiêm La đến Long Nha (sau là Singapore)… Ghi chép 195 địa danh trong đó hơn 40 địa danh thuộc Việt Nam.

Phần đường thủy chiếm 9/10 nội dung cuốn sách "Xiêm la quốc lộ trình tập lục". Ảnh:CTV

Phần 4 là dương hải thủy trình (đường thủy ngoài khơi), tính từ mũi Cà Mau nơi Hòn Khoai (Poulo Obi) khởi hành, đến Phú Quốc, đến hòn Thiết Miệt (Ko Samet)… 

Phần 5 là dương hải tung hoành chư sơn thủy trình (đường thủy ngoài khơi ngang dọc các đảo) ghi chép 9 tuyến như từ Hòn Khoai đến Cù lao Liêu (Pulo Tioman), từ Phú Quốc đến Thổ Châu (Pulo Pinjang) hay từ Hòn Thăng đến Hòn Bà (Koh Wai)…


Phần 6 là hải môn thủy trình (đường thủy theo cửa biển) có nội dung ghi chép hành trình theo các con sông, từ cửa biển đến đầu nguồn hoặc đến nơi hợp lưu. Trên đất Việt Nam là ghi chép các sông lớn nhỏ thuộc lưu vực sông Hậu, bắt đầu từ cửa Ba Thắc sang Rạch Giá, gần 80 địa danh. Trên đất Cao Miên và Xiêm La hơn 120 địa danh, hầu hết chép từ cửa biển đến đầu nguồn.


Được biết, bản dịch sơ thảo “Xiêm La quốc lộ trình tập lục trước đây đã in trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Thừa Thiên Huế) số 8 năm 2013 dưới hình thức một “Chuyên đề sử liệu Việt Nam”. Tuy nhiên, bản dịch và chú giải “Xiêm La quốc lộ trình tập lục” lần này là sự bổ sung, hoàn thiện bản dịch sơ thảo trước đó. Sách đang được Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ thành phố phát hành toàn quốc với giá bìa là 110.000 đồng/cuốn.


Hoàng Tuyết/ Báo Tin Tức