05:19 04/05/2017

Ra mắt sách về địa danh và chữ nghĩa Nam bộ

Những địa danh và chữ nghĩa đặc trưng về vùng đất Nam bộ sẽ được gửi gắm vào tác phẩm “Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ” của tác giả Huỳnh Công Tín.

Tác giả Huỳnh Công Tín cho biết, ấn phẩm “Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ” gồm hai phần: Phần “Chuyện địa danh” mới được in; phần Chuyện chữ nghĩa đã được Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phát hành vào quý III/2014. nay được in lại với “Chuyện địa danh” nên có sửa chữa và bổ sung thêm một số mục từ.


“Tất cả những mục từ của hai phần được viết trong khuôn khổ lượng từ được ấn định khoảng 400 chữ dưới dạng một câu hỏi và một phần trả lời, được đăng định kỳ hằng tuần ở một số báo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”, ông Huỳnh Công Tín cho biết thêm.

Bìa sách "Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ" của tác giả Huỳnh Công Tín. Ảnh: CTV

Nội dung chuyện địa danh tập trung lý giải những địa danh như Ao Vuông, Ao bà Om, Ba Giồng, Chiêu Anh Các, Cù lao Phố, Gái Nha Mân, Gành Hào, Lăng Cha Cả… Theo đó, có hơn 100 địa danh được đề cập đến trong cuốn sách này.


Nội dung trong phần “Chuyện chữ nghĩa” thì tập trung lý giải những cụm từ ít được sử dụng trong giao tiếp như: Hạn bà chằn, Lưu Linh miễn tử, Hốt hụi chót, Ngựa trớ đường, Xổ nho… hoặc nghĩa của các mục từ gắn liền với những sự kiện, con người trong lịch sử mà muốn hiểu chúng phải có sự dẫn giải thêm như: Bạch công tử, Hắc công tử, bá hộ, thiên hộ, dân ngũ Quảng…


Đại diện Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, nội dung của cuốn sách sẽ không thể đủ như một quyển từ điển, nhưng với phần Chuyện chữ nghĩa được giới thiệu ở đây sẽ giúp người đọc hình dung được một số nét đặc thù về tự nhiên, xã hội, con người vùng đồng bằng Nam Bộ.


Ấn phẩm “Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ” vừa được ra mắt độc giả cả nước với giá bán 88.000 đồng/cuốn.


Hoàng Tuyết/ Báo Tin Tức