07:14 10/07/2017

Ra mắt sách ‘Nghĩ ngợi đường xa’

Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh vừa cho ra mắt tập tản văn, bút ký “Nghĩ ngợi đường xa” của TS Nguyễn Thị Hậu. Đây là một tác phẩm ý nghĩa viết về những di sản kiến trúc, văn hóa của mảnh đất Sài Gòn xưa và nay.

Nội dung cuốn sách này gồm hai phần có tên như: “Mưa nắng Sài Gòn” và “Khóc một dòng sông”. Nếu như “Mưa nắng Sài Gòn” là lời tỏ bày tình yêu với mảnh đất Sài Gòn – nơi đã dành cho tác giả một số phận thì “Khóc một dòng sông” là những trăn trở suy tư về kiến trúc đô thị và những giá trị trong sự phát triển của xã hội hiện đại tại Sài Gòn hiện nay.

TS Nguyễn Thị Hậu đã có buổi giao lưu, ra mắt sách với độc giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình.

Theo nhà văn Nguyễn Đông Thức, khi đọc tác phẩm “Nghĩ ngợi đường xa” của TS Nguyễn Thị Hậu chúng ta sẽ thấy một TP Hồ Chí Minh thu nhỏ, trong đó có cả những trăn trở về sự thu hẹp của kiến trúc, di sản của thành phố này. Theo đó, phần 1 là tản văn, giúp lột tả đầy đủ những cảm xúc rất thật của tác giả về mảnh đất Sài Gòn, nơi đó mọi người dù có xuất thân từ các vùng quê khác nhau nhưng khi đến sinh sống và học tập tại Sài Gòn thì đều có những gắn bó nhất định với mảnh đất Sài Gòn.


“Trong phần 2 là những bài tùy bút về Sài Gòn, theo đó các công trình của Sài Gòn được viết thật nhất dưới con mắt của một nhà chuyên môn khảo cổ học. Ở phần này, tác giả còn cung cấp những thông tin giá trị về biệt thự, ngôi nhà cổ… đáng được tôn trọng giữ gìn những đang bị mất dần (40% ngôi biệt thự tại thành phố đã biến mất) hoặc dù là biệt thự cổ nhưng không được sử dụng đúng công năng. Theo tác giả thì ở nước ngoài, biệt thụ cổ khá được trân trọng và làm điểm đến du lịch thu hút du khách, ngược lại tại TP Hồ Chí Minh những ngôi biệt thự cổ bị biến thành nhà hàng, quán ăn, bị đối xử phũ phàng. Điều này rất đau xót đối với di sản kiến trúc hiện nay”, nhà văn Đông Thức cho biết thêm.

Bìa sách 'Nghĩ ngợi đường xa" của tác giả, nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu.

TS Nguyễn Thị Hậu cho biết, người dân muốn bảo vệ di sản của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng không chỉ dựa vào các chính sách của nhà nước mà còn xuất phát từ ý nghĩ, hành động của chính cư dân của thành phố. Những cư dân này phải có tình yêu và gắn bó với thành phố này, để từ tình yêu, gắn bó đó sẽ có những hành động bảo vệ những gì thuộc về thành phố. Vừa qua, nhiều di sản kiến trúc bị phá bỏ như Thương xá Tax; bùng binh Nguyễn Huệ, bùng binh chợ Bến Thành… Ngoài ra, việc người dân chung ta bảo vệ di sản còn góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa phi vật thể cho thế hệ con cháu sau này.


Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức