08:18 09/08/2019

Ra mắt rượu Vodka sản xuất từ gạo và nước gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm xưa

Một nhóm các nhà khoa học đã cho ra mắt rượu vodka sản xuất từ gạo và nước tại Chernobyl (Ukraine) đồng thời khẳng định rằng loại đồ uống này an toàn.

Chú thích ảnh
Một chai rượu ATOMIK. Ảnh: Newsweek

Tờ Newsweek (Mỹ) dẫn lời giáo sư Jim Smith tại Đại học Portsmouth (Anh) thuyết phục rằng vodka “Made in Chernobyl” mang tên ATOMIK không nguy hiểm và cũng giống như nhiều đồ uống có cồn khác.

ATOMIK là sản phẩm tiêu dùng đầu tiên được sản xuất tại vùng cấm Chernobyl ở Ukraine, nơi xảy ra thảm họa lớn nhất trong lịch sử ngành năng lượng hạt nhân, khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl tại Pripyat phát nổ năm 1986.

Giáo sư Jim Smith cho biết 75% lợi nhuận thu được từ kinh doanh ATOMIK sẽ được trao tặng cộng đồng vẫn phải chịu ảnh hưởng từ thảm họa Chernobyl trong hơn 33 năm qua. Ông Smith cho biết thêm: “Hàng nghìn người vẫn sống trong Khu vực tái định cư bắt buộc nơi cấm khai thác đất nông nghiệp và đầu tư mới”.

Vùng cấm Chernobyl và Khu vực Tái định cư bắt buộc là nơi có diện tích hơn 2.600 km2 quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl xảy ra vụ thảm họa cách đây hơn 30 năm.

Đội ngũ các nhà khoa học Anh này thừa nhận họ phát hiện tồn dư phóng xạ trong gạo tại Chernobyl. Một người đại diện của Đại học Portsmouth (Anh) cho biết: “Chất phóng xạ Strontium-90 hơi nhỉnh hơn mức cảnh báo hoạt tính phóng xạ của Ukraine là 20 Bq/kg. Tuy nhiên, qua quá trình chưng cất, tính phóng xạ duy nhất các nhà nghiên cứu có thể phát hiện trong rượu là Carbon-14 tự nhiên ở mức ngang bằng với bất cứ loại uống có cồn nào khác”.

Chú thích ảnh
Chernobyl vẫn hoang tàn sau sự cố cách đây 30 năm. Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học cho biết họ “nấu rượu” bằng nước khoáng từ thị trấn Chernobyl – được kiểm nghiệm không còn nhiễm phóng xạ. ATOMIK là “công trình” sau 3 năm nghiên cứu về nông sản trồng tại Vùng cấm Chernobyl.

Tính đến nay đội ngũ các nhà khoa học mới chỉ sản xuất được một chai ATOMIK nhưng đặt mục tiêu “ra lò” 500 chai trong năm nay và bán cho du khách đến thăm khu vực này.

Ngày 26/4/1986, một lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl, Ukraine (khi đó thuộc Liên Xô) phát nổ. Đám mây bụi phóng xạ đã bay khắp châu Âu và khiến hơn 100.000 người sống ở khu vực biên giới Ukraine và Belerus phải sơ tán.

Tổ chức Y tế Thế giới năm 2005 ước tính rằng có 4.000 người có khả năng tử vong do mắc các bệnh liên quan tới phóng xạ từ Chernobyl. Sau khi thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra, một khu vực cấm rộng hơn 4.000 km vuông đã được thiết lập.

Hà Linh/Báo Tin tức