Trên hành trình phát triển và hội nhập, TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước luôn rộng cửa đón những người con xa xứ trở về chung tay dựng xây quê hương. Chính vì vậy, những năm gần đây, ngày càng nhiều kiều bào, Việt kiều lựa chọn quay về, mang theo tri thức, kinh nghiệm quốc tế và nguồn lực tài chính để đầu tư, khởi nghiệp, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố.
Những Việt kiều xa quê khi quay về đều mong muốn góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn.
Nguồn lực từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày càng phát huy mạnh mẽ. Những dự án công nghệ, y tế, giáo dục hay hạ tầng hiện đại được các kiều bào Việt Nam mang về TP Hồ Chí Minh để nâng cao năng suất công việc và chuyên nghiệp hơn. Tất cả vì mục tiêu là chung khát xây dựng quê hương - TP Hồ Chí Minh.
Đồng hành cùng công cuộc xây dựng đất nước
TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi đây không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài mà còn là điểm đến đầy cảm hứng cho hàng triệu người Việt xa xứ mang theo khát vọng góp sức xây dựng quê hương. Theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh, hiện có gần 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có mối liên hệ với TP Hồ Chí Minh, chiếm gần 50% tổng số kiều bào toàn quốc. Ngoài ra, thành phố đã thu hút khoảng 500 chuyên gia, trí thức người Việt từ khắp nơi trên thế giới về hợp tác và làm việc lâu dài.
Không chỉ vậy, dòng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh hàng năm chiếm từ 40 - 53% tổng kiều hối về cả nước. Đây là dòng tiền đơn phương, mang giá trị tinh thần sâu sắc, không chỉ gửi về cho gia đình mà còn đầu tư cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất, khởi nghiệp, phát triển cộng đồng.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh cùng các Việt kiều trải nghiệm tuyến metro số 1.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh cho biết: “Dù xuất thân, hoàn cảnh và lý do ra đi khác nhau, nhưng với chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự linh hoạt của TP Hồ Chí Minh, cộng đồng kiều bào đã và đang tích cực quay về, đồng hành cùng công cuộc phát triển đất nước. Đặc biệt, giới trí thức, doanh nhân kiều bào đã có mặt tại thành phố từ rất sớm, trực tiếp tham gia các chương trình hợp tác, nghiên cứu, đầu tư, vận động quốc tế và làm cầu nối giao lưu văn hóa - khoa học - kỹ thuật".
Theo bà Vũ Thị Huỳnh Mai, thống kê có khoảng 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư đang hoạt động trên địa bàn, với tổng vốn hơn 45.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có khoảng 400 trí thức kiều bào đang làm việc dài hạn và gần 200 người tham gia hợp tác nghiên cứu cùng các viện, trung tâm khoa học trong nước.
Có được kết quả này, TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm thu hút nhân tài Việt ở nước ngoài như các chế độ đãi ngộ, tiền lương, phụ cấp tương xứng, quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh trong các cơ quan nghiên cứu... Mục tiêu là tạo môi trường thuận lợi để trí thức kiều bào có thể phát huy tối đa năng lực tại quê hương.
Bà Mai cho biết: “Giới trí thức và doanh nhân kiều bào đã về nước từ rất sớm, họ là những người đặt những viên gạch đầu tiên cho mối quan hệ hợp tác khoa học, đầu tư kinh doanh, thậm chí là ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và thế giới".
Kiều bào mong TP Hồ Chí Minh tăng cường quảng bá về trái phiếu metro để thu hút đầu tư từ các kiều bào trẻ, du học sinh đang làm việc tại nước ngoài.
Chia sẻ về những đóng góp của cộng đồng kiều bào, ông Phan Văn Mãi, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua có không ít kiều bào sau hàng chục năm xa quê, trở về không phải để “an cư” mà để bắt đầu một hành trình mới, đó là góp phần xây dựng thành phố, nơi từng rời xa. Dù là khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư vào giáo dục hay tham gia vào các trung tâm nghiên cứu, họ đều đang góp phần đặt nền móng cho một TP Hồ Chí Minh hiện đại, sáng tạo, vươn ra toàn cầu.
"Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, nguồn lực từ kiều bào càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết. TP Hồ Chí Minh không chỉ cần vốn mà cần những người hiểu thị trường quốc tế, có tầm nhìn, có kết nối toàn cầu và trên hết là có trái tim luôn hướng về đất mẹ. Khi những người con đất Việt cùng hội tụ, dù đang ở đâu, TP Hồ Chí Minh sẽ không chỉ là một thành phố năng động mà sẽ là nơi khởi nguồn của những chuyển động lớn lao, của những giấc mơ mang tên tương lai", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Từ cảm xúc đến hành động
Trong các buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, tiếng nói của kiều bào luôn chất chứa tình yêu quê hương và mong mỏi được trở về để góp phần vào sự phát triển của đất nước. Ông Trần Hải Linh, kiều bào tại Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc không giấu được niềm xúc động nói: “Tôi rất cảm ơn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh ngày càng mở lòng, lắng nghe hiến kế của kiều bào. Sự tin tưởng ấy khiến chúng tôi cảm thấy mình thực sự là một phần của hành trình phát triển thành phố, chứ không chỉ là những người đóng góp từ xa".
Ông Trần Hải Linh, kiều bào tại Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc nhận bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Linh, dù kinh tế còn nhiều biến động, TP Hồ Chí Minh vẫn đạt được những kết quả tăng trưởng đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp nhất định từ cộng đồng kiều bào. “Tôi kỳ vọng, Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối đến năm 2030" sẽ không chỉ tận dụng dòng tiền kiều hối mà còn biến nó thành động lực cho phát triển bền vững, đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, công nghệ cho TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung”, ông Linh nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, bà Ngô Phẩm Trân, kiều bào tại Đài Loan, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan cho rằng, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều cơ hội quý giá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là điện tử, thiết kế chip và bán dẫn. “Nhiều tập đoàn lớn trong ngành này đang chuyển hướng đầu tư về TP Hồ Chí Minh. Nếu Thành phố kịp thời nắm bắt, đây sẽ là bệ phóng cho ngành công nghệ cao của Việt Nam”, bà Trân nhận định.
Bà Trân cũng chia sẻ tâm tư của một người con xa xứ: “Chúng tôi đi xa vì cơ hội, nhưng trái tim luôn hướng về quê hương. Những chuyển biến tích cực từ chính sách đến môi trường đầu tư tại Việt Nam khiến chúng tôi có thể đặt niềm tin và sẵn sàng trở về”.
Bà Trần Tuệ Tri mong muốn đóng góp nhiều hơn cho kinh tế TP Hồ Chí Minh phát triển.
Tương tự, bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập, Cố vấn cấp cao của Vietnam Brand Purpose cho rằng, đối với những Việt kiều, điều quan trọng nhất là tạo ra được cơ chế thuận lợi để kiều bào không chỉ gửi tiền mà còn gửi tri thức, kinh nghiệm, mạng lưới quốc tế về cho TP Hồ Chí Minh. "Cụ thể, khi chúng ta huy động kiều hối, đó không chỉ là một văn bản hành chính mà còn là chiếc cầu kết nối hiệu quả giữa những người con xa xứ với quê hương. Sắp tới, TP Hồ Chí Minh cũng cần có “những cú hích chính sách” như thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp dành riêng cho kiều bào, xây dựng quỹ đầu tư từ kiều hối và tạo nền tảng kết nối kiều bào, với hệ sinh thái đổi mới trong nước...", bà Tuệ Tri đề xuất thêm.
Bài 2: Người "mở cửa bầu trời" cho Việt Nam vươn ra thế giới