08:06 02/08/2014

Quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh

... hai yếu tố ảnh hướng lớn nhất tới môi trường cạnh tranh của Việt Nam gồm: Doanh nghiệp phải tiêu tốn quá nhiều thời gian để kê khai nộp thuế và chi phí thương mại qua biên giới cao.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới năm 2014, Việt Nam đang đứng thứ 99/189 nước về chỉ số môi trường kinh doanh, giảm một bậc so với năm trước. Trong đó, hai yếu tố ảnh hướng lớn nhất tới môi trường cạnh tranh của Việt Nam gồm: Doanh nghiệp (DN) phải tiêu tốn quá nhiều thời gian để kê khai nộp thuế và chi phí thương mại qua biên giới cao.


Áp lực từ hội nhập


Hiện nay, thời gian nộp thuế trung bình của các nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm, trong đó Indonesia là 259 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philippines là 193 giờ, Malaysia là 133 giờ, Brunei là 96 giờ, Singapore là 82 giờ. Riêng Việt Nam, thời gian nộp thuế năm 2013 là “872 giờ”, đứng thứ 185, gần như “đội sổ” về xếp hạng này.

 

Việc rút ngắn thời gian, thủ tục khai nộp thuế sẽ giúp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN


Về hải quan, thời gian xuất khẩu trung bình của các nước ASEAN-6 là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày; còn với Việt Nam, thời gian xuất khẩu năm 2013 là 21 ngày và nhập khẩu cũng 21 ngày.


“Việc mỗi DN Việt Nam phải tiêu tốn tới 872 giờ một năm để khai thuế, nộp thuế là vượt quá sức tưởng tượng. Với những kinh nghiệm tôi đã trải qua, nước kém nhất cũng chỉ mất khoảng 300 giờ, nhưng Việt Nam lên tới trên 800 giờ là rất nghiêm trọng”, ông Olin McGill, chuyên gia Quốc tế về Phát triển Môi trường Kinh doanh của Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện (Cơ quan phát triển Hoa Kỳ- USAID) phân tích.


Theo đánh giá của USAID, chi phí trả cho ngân viên kế toán để làm thủ tục nộp thuế ở Việt Nam trung bình là 24,6 triệu đồng/năm. Với tổng số 450.000 DN, con số này lên tới 9,8 ngàn tỷ đồng. Nếu chúng ta giảm được thời gian làm các thủ tục nộp thuế xuống còn 171 giờ thì sẽ tiết kiệm được khoảng 6,6 ngàn tỷ đồng, tiết kiệm cho một DN được 16,6 triệu đồng/năm.

Doanh nghiệp đang tốn rất nhiều thời gian và công sức để kê khai và nộp thuế.


Ngoài ra, chi phí thương mại qua biên giới cũng khá tốn kém. Với lượng thời gian lên tới 21 ngày như hiện nay, Việt Nam đang thất thoát tổng cộng 15% trong tổng kim ngạch thương mại.


Đứng trước những thách thức trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 19/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.


Phấn đấu đến hết năm 2015, Việt Nam đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6, trong đó có một số tiêu chí cụ thể là: Rút ngắn thời gian các DN phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế xuống còn 171 giờ/năm, thời gian xuất khẩu và nhập khẩu là 14 ngày và 13 ngày… cùng một số chỉ tiêu khác liên quan tới việc thành lập doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tiếp cận điện năng...


Quyết tâm cải cách


Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu chúng ta hoàn thành được những chỉ tiêu mà Nghị quyết 19 đặt ra, Việt Nam sẽ tăng được khoảng 50 bậc, xếp trong nhóm 40 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ các bộ ngành, các cơ quan đơn vị trong cả nước.


“Tinh thần cải cách của Việt Nam đang lên rất cao, chúng tôi cũng cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ Việt Nam cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh; đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm quốc tế về cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh và gợi ý các giải pháp cụ thể cho Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là những kinh nghiệm từ Malaysia và Georgia, hai quốc gia hiện nằm trong top 10 thế giới về xếp hạng môi trường kinh doanh”, ông Olin McGill, chuyên gia của Cơ quan phát triển Hoa Kỳ - USAID cho biết.


Về vấn đề cải cách thuế, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đang tập trung sửa đổi một số thông tư để giảm bớt thời gian làm thủ tục, đồng thời phù hợp với đúng tiêu chuẩn kế toán quốc tế. Dự kiến, về thuế sửa 11 nội dung với 6 biểu mẫu, 6 nhóm tờ khai. Riêng việc này có thể giúp giảm 201 giờ làm thủ tục. Việc sửa đổi quy định cho phép DN vừa và nhỏ kê khai thuế theo quý, giảm tần suất kê khai cũng có thể giúp giảm 88 giờ nộp thuế.


Về vấn đề bảo hiểm xã hội, ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đã giảm từ 263 thủ tục xuống còn 111 thủ tục. Hiện DN chỉ cần khai với nội dung đơn giản; chỉ phải khai tăng, giảm nếu mức lương thay đổi hoặc thay đổi về lượng nhân công”.


Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí tiếp cận điện ở Việt Nam đứng thứ 156/189 trên thế giới. Đây cũng là một trong những chỉ số yếu kém nhất của Việt Nam.


Để giải quyết thực trạng này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết 19 của Chính phủ, Tập đoàn đã rà soát lại toàn bộ các quy trình, thủ tục để thực hiện 3 tiêu chí: Giảm chi phí, rút ngắn thời gian, làm thủ tục nhanh gọn nhất.


Về thủ tục tiếp cận điện, hiện nay có 14 thủ tục. Tập đoàn đã nghiên cứu, tìm ra giải pháp để giảm thời gian theo yêu cầu của doanh nghiệp. Tập đoàn đã thành lập một tổ chuyên theo dõi thực hiện Nghị quyết 19. Với quyết tâm cao và sự ủng hộ của các ban, ngành và khách hàng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, mục tiêu rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa 70 ngày là có thể thực hiện được.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế:

Giảm biểu mẫu cho DN trung thực

Hiện nay, một tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải có 9 biểu mẫu, trong đó, một số biểu mẫu yêu cầu kê khai rất chi tiết như số xe, đời xe, loại xe với hàng hóa là ô tô, xe máy. Những biểu mẫu này được ban hành nhằm chống gian lận thương mại, nhưng có thể bỏ ngay được để tạo thuận lợi cho các DN làm ăn trung thực.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Việt Nam không thể nằm mãi trong nhóm lạc hậu

Ở Việt Nam vẫn còn tư duy quản lý dựa trên sự nghi ngờ với xã hội, người dân và doanh nghiệp. Vì thế, chính sách được thiết kế sẽ là quản lý chặt, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Việt Nam không thể nằm mãi trong nhóm các nước lạc hậu nhất trong ASEAN. Sắp tới, Hiệp định TPP và các hiệp định thế hệ mới sẽ được ký kết. Bởi vậy, chúng ta phải có thay đổi cách tiếp cận trong quản lý cho phù hợp với thông lệ của Thế giới.

Ông Olin McGill, chuyên gia của Cơ quan phát triển Hoa Kỳ- USAID:

Cần một trung tâm dữ liệu quốc gia

Việt Nam đòi hỏi nhiều ở DN số liệu thông tin và kiểm tra. Một câu hỏi đặt ra là ta có cần quá nhiều thông tin, số liệu như vậy không? Có cần kiểm tra mọi tài liệu, mọi hàng hóa được xuất nhập khẩu ở Việt Nam không?

Tôi được biết, Luật DN cũ có đề ra những quy trình cụ thể, có thể là gánh nặng cho tất cả những DN làm ăn chân chính. Do vậy, theo tôi, Việt Nam cần có trung tâm dữ liệu quốc gia, có phần mềm quốc gia để quản lý. Các bộ ngành nhập thông tin vào khu dữ liệu này qua phần mềm trung gian; các bộ ngành khác có thể sử dụng phần thông tin này, vừa tiết kiệm được thời gian và vừa giảm bớt thủ tục.

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn:

Thay đổi tư duy quản lý

Tư duy của chúng ta là khi người thu phí, thuế không được gặp người nộp thì họ cứ thấy “không an tâm”. Tuy nhiên, để cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta phải thay đổi kiểu tư duy này.

Bộ Tài chính đã thống nhất với Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ giúp cho Bộ và Tổng cục Thuế một dự án trong 3 năm (2014 - 2016), gồm 4 mục tiêu. Thứ nhất, hoàn thiện chính sách thuế và quy trình hành chính thuế theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, tập trung về quản lý rủi ro trong thuế. Thứ ba, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan thuế. Thứ tư, thực hiện cơ chế tính giờ, tính chi phí, đánh giá độ hài lòng với cơ quan thuế.

Hữu Vinh