12:06 02/12/2014

Quyết liệt với hàng giả, hàng nhái

Tại lễ kỷ niệm "Ngày phòng chống hàng nhái, hàng giả Việt Nam 29/11" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc hàng lậu, hàng giả lộng hành là tình trạng cơ quan chức năng làm ngơ...

Tại lễ kỷ niệm "Ngày phòng chống hàng nhái, hàng giả Việt Nam 29/11" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc hàng lậu, hàng giả lộng hành là tình trạng cơ quan chức năng làm ngơ, cán bộ tiếp tay, bao che, thậm chí cán bộ có trách nhiệm ở địa phương, khi dự hội nghị thì phát biểu rất to, rất hăng hái, nhưng rời hội nghị thì họ không làm gì…

Phải thấy rằng, hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường, đang làm suy yếu thương hiệu hàng Việt và nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài tới nền kinh tế nước nhà. Hàng giả, hàng nhái trên thị trường gồm đủ loại, từ các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm nổi tiếng thế giới, các mặt hàng tiêu dùng: mỳ chính, bột giặt, bánh kẹo, đồ gia dụng… đến các sản phẩm văn hóa như: đĩa nhạc, sách. Có sản phẩm nhập lậu từ nước ngoài, có sản phẩm do chính các cơ sở trong nước làm giả, làm nhái, thậm chí tư thương còn thuê người nước ngoài làm giả các thương hiệu uy tín trong nước rồi mua chuộc cán bộ hải quan, thuế quan, tuồn trở lại thị trường trong nước. 

Tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn ra tràn lan từ nhiều năm nay, một phần lỗi của chính các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Khi cơ quan chức năng phát hiện, mời đơn vị, doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả cùng tham gia xử lý, giải quyết, thì các đơn vị, doanh nghiệp liên quan lại không muốn xuất hiện. Thậm chí, khi cơ quan chức năng tổ chức triển lãm hàng nhái, hàng giả, dù được mời, họ cũng tham gia một cách miễn cưỡng. Vì sao vậy, một số doanh nghiệp cho rằng, nếu làm to chuyện, sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu và người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với sản phẩm của họ, nên đành chấp nhận sống chung với hàng giả, hàng nhái.

Vào thời điểm cuối năm, gần Tết Dương lịch và Tết Âm lịch, hoạt động gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp, rất khó kiểm soát. Tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái... chỉ có thể được ngăn chặn khi có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng làm nòng cốt. Điều có ý nghĩa quyết định, cán bộ có trách nhiệm ở từng địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm, nói phải đi đôi với làm, sâu sát địa bàn cơ sở, dám chịu trách nhiệm, thể hiện rõ thái độ không khoan nhượng với hàng nhái, hàng giả... Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt phải nghiêm minh, đủ sức răn đe các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái; sớm đưa ra xét xử công khai các vụ án điểm về gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả.

Xin được nêu lại ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về "Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại" trung tuần tháng 11 vừa qua: Cần phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu để xảy ra tình trạng gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào, thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm; xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả.

Rõ ràng, nếu người đứng đầu các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương không nhận thức rõ gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái là phá hoại nền kinh tế và nếu không kiên quyết loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này, thì tình trạng gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả khó lòng được ngăn chặn và tiếp tục có tác động tiêu cực tới nền kinh tế đất nước.

Yến Nhi