12:09 25/12/2012

Quyết liệt để tạo sự chuyển biến về an toàn thực phẩm

Năm 2012, ngành nông nghiệp đã xác định việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của ngành. x

Tại cuộc họp về Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp năm 2012 và kế hoạch năm 2013 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều qua (24/12), Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Năm 2012, ngành nông nghiệp đã xác định việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của ngành. Từ nay đến Tết Nguyên đán và trong năm 2013, các đơn vị trong ngành sẽ quyết liệt vào cuộc, tập trung vào những điểm xung yếu để xử lý triệt để sai phạm, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa.

 

Quản lý chất lượng thực phẩm là nhiệm vụ số một


“Nhân dân cần bó rau, miếng thịt, con cá sạch. An toàn thực phẩm đang là vấn đề bức xúc trong nhân dân. Việc giám sát an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn tới đây còn rất nhiều việc. Phải làm tận gốc của vấn đề, làm quanh năm, có trọng tâm để tạo sự chuyển biến thực tế, càng triệt để càng tốt chứ không chỉ hô hào suông” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.


 

Cán bộ Chi cục VSATTP tỉnh Quảng Trị kiểm tra các hộ kinh doanh mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn tại chợ Diên Sanh, huyện Hải Lăng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong năm 2012, với việc coi quản lý chất lượng an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm số một, ngành nông nghiệp đã tăng cường quản lý thực phẩm nhập khẩu theo cả đường chính ngạch và tiểu ngạch. Việc quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã được làm theo hệ thống, xử lý sự cố kịp thời, triển khai các biện pháp xây dựng hệ thống chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và hệ thống thanh tra chuyên ngành.


Trong năm 2012, các cơ quan chức năng đã kiểm tra trên 12.000 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó có trên 900 cơ sở vi phạm (chiếm 18,7%). Trong 5.330 mẫu nông sản có nguồn gốc thực vật được kiểm tra, có 36 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật (Salmonella, E.coli), 364 mẫu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và nitrate vượt ngưỡng cho phép. Trong số hơn 1.430 mẫu thịt kiểm tra, có gần 400 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật và 70 mẫu vi phạm chỉ tiêu có hóa chất cấm trong chăn nuôi. Trong gần 2.000 mẫu thủy sản được kiểm tra, có 127 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật, 10 mẫu vi phạm chỉ tiêu kim loại nặng và 98 mẫu vi phạm chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm.


Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, năm 2012, năng lực và kinh nghiệm quản lý an toàn thực phẩm đã được nâng lên. Chỉ tiêu an toàn thực phẩm đã tốt hơn so với những năm trước đây nhưng vẫn còn một số hạn chế như: việc thực hiện chưa được đồng đều giữa các địa phương, mới chỉ tập trung vào giải pháp trước mắt nên hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi, chưa tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.

 

Làm có trọng điểm để tạo chuyển biến


Ngành nông nghiệp phấn đấu năm 2013 giảm ít nhất 10% so với năm 2012 số vụ vi phạm về dư lượng chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng, giảm 10% doanh nghiệp vi phạm về điều kiện sản xuất kinh doanh (xếp loại C), trong đó ở miền Bắc giảm 20% cơ sở giết mổ không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm.


Để đạt được mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong năm 2013, tiếp tục xác định tăng cường quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. “Trong đó, công tác an toàn thực phẩm cần tập trung phân tích nguy cơ, ví dụ trong chuỗi đường đi của bó rau, miếng thịt đến bàn ăn, phải tìm ra khâu nguy cơ mất an toàn nhất để điều chỉnh khâu đó. Thực tế, không thể quản lý hết hàng nghìn mặt hàng nên hướng là thời gian tới, với một số ngành, sẽ lựa chọn ngành hàng nào có nguy cơ, bức xúc để tập trung xử lý, tạo ra sự chuyển biến”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh. Ở lĩnh vực trồng trọt, tập trung kiểm tra, kiểm soát rau quả, chè; ở lĩnh vực chăn nuôi là thức ăn chăn nuôi.

 

“Năm 2013, sẽ tập trung vào ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kiểm soát gia súc gia cầm nhập lậu và kiểm soát nhập khẩu” - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm.


Còn theo ông Nguyễn Xuân Hồng, để giải quyết căn cơ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cần có các chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp, nông dân trong việc tạo nguồn cung và nguồn cầu nông sản an toàn.


Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, về giải pháp, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với hình thức đa dạng hướng tới cả người sản xuất và tiêu dùng, vận động cả xã hội tham gia. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các chính sách phải khuyến khích người làm tốt và xử phạt nặng người vi phạm. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục củng cố hệ thống quản lý chất lượng từ Cục tới Chi cục, củng cố hệ thống thanh tra chuyên ngành nhằm tạo một bộ máy có đủ năng lực.

 

Mạnh Minh