06:15 08/06/2020

Quyết định của Mỹ rút 9.500 quân khỏi Đức khiến đồng minh lo ngại

Đồng minh của Mỹ cho rằng kế hoạch cắt giảm binh sĩ Mỹ đóng tại Đức mới được Tổng thống Donald Trump thông qua sẽ khiến NATO suy yếu, tạo ảnh hưởng cho Nga - tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin.

Chú thích ảnh
Bà Merkel (phải) bất đồng với ông Trump về mức đóng góp chi tiêu quân sự trong NATO.
Ảnh: Reuters

Theo đó, các đồng minh của Mỹ tại châu Âu thất vọng trước kế hoạch của ông Trump, cắt giảm khoảng 1/3 quân số đang đồn trú tại Đức. Số này cho rằng động thái trên sẽ hủy hoại NATO, giúp các đối thủ như Nga thu lợi. 

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết Berlin sẽ lưu ý quyết định này một khi Mỹ chính thức công bố đề xuất. “Đức đánh giá cao hợp tác với quân đội Mỹ, mối bang giao đã phát triển trong nhiều năm qua. Điều này phù hợp với lợi ích của cả hai nước”, ông Mass bày tỏ, đồng thời nói rằng quan hệ Mỹ-Đức là “phức tạp”. 

Các đồng minh của Thủ tướng Angela Merkel tại Quốc hội Đức bày tỏ thái độ chỉ trích mạnh bạo hơn. Johann Wadephul, Phó Chủ tịch liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) cầm quyền, cho rằng kế hoạch của Mỹ một lần nữa cho thấy chính quyền Trump đã bỏ qua yếu tố quan trọng trong vai trò lãnh đạo, đó là tham khảo đồng minh trong quá trình ra quyết định. Theo ông, chỉ có Nga và Trung Quốc là được lợi từ hành động này. 

Ông Trump thường xuyên chỉ trích đồng minh NATO, đặc biệt là Đức, vì không đáp ứng mức đóng góp chi tiêu quân sự ở mức 2% GDP và phản ứng của châu Âu trước một số điểm nóng khác, như vấn đề Iran. Về phần mình, châu Âu phản đối việc Washignton không tham vấn ý kiến trước mỗi quyết định lớn, mới nhất là việc chính quyền Trump bất ngờ ra tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở mà không báo trước cho cá các thành viên NATO. 

Theo một quan chức ngoại giao cấp cao châu Âu tại NATO, quyết định cắt giảm quân Mỹ đóng tại Đức cho thấy một sự đứt gãy tuyệt đối trong xu hướng vận hành của NATO, một tổ chức mà các đồng minh cố gắng tạo dựng một thế trận mạnh mẽ trước Nga và đối lập với đó là những ưu tiên thực tế của Mỹ. Động thái này của Mỹ là món quà cho Nga, nước lâu nay vẫn tìm cách khai thác rạn nứt giữa các đồng minh phương Tây và làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu. 

Giới phân tích nhìn nhận, tuy cơ bản từ bỏ ý tưởng cải thiện hợp tác với Mỹ, Nga đã hướng sang nhiều nước giúp Nga có điều kiện tạo lập hiện diện trong thế giới phương Tây, với mục đích vừa giúp tăng cường ảnh hưởng, vừa làm giảm vai trò của Mỹ. Theo Andrey Kortunov, Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga – một tổ chức nghiên cứu ở Moskva có liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga, hướng duy nhất Nga có thể thúc đẩy quan hệ với phương Tây là từ châu Âu. 

Khi Nga và EU còn đứng ở hai chiến tuyến đối lập trong các vấn đề như khủng hoảng Ukraine và Syria, Moskva không có nhiều không gian để cải thiện quan hệ ngoại giao với châu Âu. Thay vào đó, Moskva lại thành công trong thúc đẩy các sáng kiến kinh tế ở "lục địa già", ví như dự án Nord Stream 2 - một dự án giúp tăng gấp đôi lượng khí đốt của Nga xuất sang Đức. 

Việc Mỹ tìm cách chặn dự án này đã tạo ra bất đồng chủ chốt trong quan hệ Berlin-Washington. Alexei Leonkov, chuyên gia quân sự Nga, cho rằng căng thẳng Mỹ-Đức liên quan đến quyết định rút quân của ông Trump và một số yếu tố khác có thể giúp Moskva có thêm ưu thế trong thúc đẩy Nord Stream 2. Theo ông, tăng trưởng kinh tế của Đức bị kìm hãm bởi nhu cầu của Washington muốn áp cấm vận chống Nga và rất có thể trong thời gian tới sẽ xuất hiện thay đổi trong cách tiếp cận của Đức.

Tuy nhiên, Victor Olevich, một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Nga cho rằng Moskva cần kiểm soát kỳ vọng của mình. Vụ Nga bị cáo buộc đột nhập thư điện tử của bà Merkel đã tác động mạnh đến quan hệ hai nước. Hơn thế, Mỹ không hẳn rút khỏi châu Âu, mà đang tìm cách tăng cường hiện diện quân sự ở phía Đông, đặc biệt là tại Ba Lan. Rất có thể việc điều chuyển lực lượng từ Đức sang Ba Lan sẽ làm tăng sức ép đối với biên giới phía Tây của Nga và chắc chắn Moskva sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức