03:18 26/03/2014

'Quyền lực thông minh' Nga đè bẹp 'sức mạnh cơ bắp' phương Tây

Những gì diễn ra ở Ukraine đã chứng minh một điều rằng Mỹ và các đồng minh NATO không còn có thể lợi dụng sức mạnh quân sự, sức mạnh cơ bắp của mình để hành xử như những kẻ chuyên đi “bắt nạt” các quốc gia khác trên thế giới.

Theo Ajay Kamalakaran, chuyên gia phân tích cấp cao của Ấn Độ, những gì diễn ra ở Ukraine đã chứng minh một điều rằng Mỹ và các đồng minh NATO không còn có thể lợi dụng sức mạnh quân sự, sức mạnh cơ bắp của mình để hành xử như những kẻ chuyên đi “bắt nạt” các quốc gia khác trên thế giới.

Các sự kiện gần đây ở Ukraine đã dẫn đến việc các phương tiện truyền thông liên tục đăng tải những bình luận khoa trương từ các chính trị gia phương Tây về sự can thiệp quân sự của Nga. Thực tế là quân đội Nga đã thể hiện một cấp độ cao về tính chuyên nghiệp và các diễn biến ở Crimea (Crưm) đã không gây đổ máu.

Nga không muốn một Ukraine mất ổn định, vì điều này đi ngược lại với lợi ích của Moskva, nhưng sự can thiệp của Mỹ nhằm vào các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là một phần trong chính sách dài hạn của Washington để làm suy yếu đối thủ cũ của mình từ thời Chiến tranh Lạnh. Với Ukraine, chính phủ Mỹ rõ ràng đang muốn kiểm tra xem mức độ khiêu khích Nga đến mức nào.

Tàu đổ bộ của Nga.


Hãy tưởng tượng ra một tình huống: Nếu như Moskva khuyến khích, hỗ trợ một chính phủ chống Mỹ ở Mexico, liệu Mỹ sẽ ngồi yên? Có phải Washington đã vươn cánh tay của mình tới các quốc gia khác ở khu vực Mỹ Latinh? Mỹ có tuân theo luật pháp quốc tế ở khu vực “sân sau” của mình và ở một số nơi khác trên thế giới? Không phải cuộc chiến ở Iraq trong thế kỷ 21 là một trường hợp rõ ràng của một đất nước bị xâm lược với sự dối trá tồi tệ nhằm lật đổ một chế độ?

Tình hình là những gì Ukraine đã chứng minh một điều rằng Mỹ và các đồng minh NATO không còn có thể lợi dụng sức mạnh quân sự, sức mạnh cơ bắp của mình và hành xử như những kẻ chuyên đi “bắt nạt” các quốc gia khác trên thế giới. Sự nguy hiểm lớn nhất đối với nền hòa bình của thế giới kể từ khi Liên Xô tan rã đến từ Mỹ và các đồng minh.

Trong khi các quốc gia này kêu gọi phải tôn trọng quyền tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền, thì chính sách đối ngoại của họ lại đi ngược lại, ví dụ như tạo cớ để tiến hành một cuộc chiến đẫm máu nhằm lật đổ một chế độ không theo sự lãnh đạo của họ, lập ra chế độ bù nhìn phục vụ lợi ích của riêng mình.

Chuyên gia Kamalakaran cho rằng, sức mạnh ngoại giao, quân sự của Nga đã tăng lên trong vài năm qua và nước này đã có nhiều hành động góp phần ngăn chặn các vụ đổ máu trên thế giới. Moskva đã ngăn chặn một vụ đánh bom của Mỹ nhằm vào Syria và ngăn chặn nổ ra các cuộc chiến tranh ở những nơi như Iran.


Phương Tây biết sự hạn chế của mình hiện nay và không dám mạo hiểm cho một cuộc đối đầu quân sự với Moskva khi vấn đề Crimea diễn ra.

Phương Tây đã “tập hợp xung quanh” chính phủ lâm thời tại Kiev và kêu gọi Nga tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Nhưng có một câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao Kosovo có quyền tuyên bố độc lập từ Serbia? Tại sao người dân Abkhazia không có quyền tương tự như vậy? Tại sao phương Tây lại “bật đèn xanh” để phân vùng Sudan và tạo ra một quốc gia mới ở Nam Sudan? Tại sao luật pháp quốc tế chỉ được áp dụng với một số quốc gia mà không dành cho vài nước khác? Đây là những câu hỏi rất khó trả lời.

Cho đến nay phải thừa nhận vấn đề Crimea là sự đã rồi. Sắp tới, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk sẽ phải tuân thủ các khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tức là sẽ áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” giống mô hình Hy Lạp (tăng thuế, giảm việc làm, giữ lãi suất cao và phá giá tiền tệ). Đối với hoàn cảnh của Ukraine, “thắt lưng buộc bụng” là con đường dẫn tới thảm họa. Mà lúc này, Ukraine đang đi trên con đường ấy. Nếu thật sự mong muốn điều tốt lành cho Ukraine, thì nên ưu tiên vào các gói viện trợ kinh tế. Nhưng nếu không có sự tham gia của nước Nga, việc hỗ trợ Ukraine sẽ hết sức nan giải, thậm chí là bất khả.

Vậy sức mạnh nào sẽ thúc đẩy hay cản trở sự hợp tác giữa các bên liên quan trong vấn đề Ukraine? “Quyền lực cứng” trong cuộc đọ sức “được ăn cả, ngã về không” chỉ có tác dụng ngắn hạn. Nga không thể xây dựng một đất nước mà ở đó tất cả dồn cho quốc phòng như thời Liên Xô cũ. “Quyền lực mềm” mà cả Nga lẫn châu Âu đều viện dẫn đúng là có sức mạnh ngoại sinh (Ukraine chịu ảnh hưởng của cả Nga lẫn Tây Âu).

Nhưng mọi học thuyết về “khu vực ảnh hưởng” trong thời đại toàn cầu hóa đang giảm dần tác dụng. Ngày nay, các quốc gia nhỏ hơn có cơ hội tiếp thu ảnh hưởng từ nhiều nền văn minh khác nhau, không nhất thiết phải cam chịu thân phân “thuộc quốc” như trước đây. Vậy chỉ còn lại “quyền lực thông minh”, tức là hợp lực giữa cả “cứng” lẫn “mềm”.

Thế giới cần hòa bình, phát triển và bảo vệ môi trường tự nhiên. Các nhà lãnh đạo thế giới chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề trên. Nhưng nếu như Mỹ và phương Tây vẫn tìm cách để mở rộng quyền bá chủ của mình trên toàn thế giới, triển vọng hòa bình của thế giới sẽ rất mờ nhạt. Sự trỗi dậy trong sức mạnh quân sự của Nga sẽ góp phần bảo đảm rằng thế giới sẽ ít xảy ra bạo lực hơn, chuyên gia Kamalakaran kết luận.


Vũ Thanh
(Theo R.B.H)