09:18 14/09/2021

Quy hoạch sử dụng đất an ninh bảo đảm đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, quy hoạch sử dụng đất an ninh phải đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ an ninh chính trị, trật tự, kỷ cương; bảo đảm an ninh kinh tế, xã hội, an ninh mạng, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương trên cả nước, từng vùng và từng địa phương.

Đây là một trong những quan điểm nhất quán được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1508/QĐ-TTg.

Chú thích ảnh
Khu đất nhà ở cho cán bộ cao cấp của Bộ Công an chưa được triển khai tại phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm). Ảnh: Mỹ Duyên/TTXVN.

Quy hoạch đảm bảo tính kế thừa

Theo Quyết định này, Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới phát triển tổng thể các khu vực, các điểm đất an ninh phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước.    

Quy hoạch đảm bảo tính kế thừa các nghiên cứu, định hướng sử dụng đất an ninh đã được xác định, sát với thực tiễn, có tính khả thi. Ưu tiên lồng ghép quan điểm chỉ đạo về việc bố trí đủ và phát triển quỹ đất theo yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng công an nhân dân; có tính đến các yếu tố đặc thù của lực lượng công an trong quản lý, sử dụng đất. Quy hoạch đất an ninh đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và phù hợp với quy hoạch khác có liên quan đến sử dụng đất.

Mục tiêu của Quy hoạch đất an ninh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn từng địa phương, từng vùng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; giải quyết hài hòa mối quan hệ với các quy hoạch ngành quốc gia khác có liên quan; đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xác định vị trí, quy mô các khu vực đất an ninh trên cơ sở nhu cầu sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng lực lượng công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng trong mọi tình huống.

Rà soát, điều chuyển diện tích đất không sử dụng trực tiếp vào mục đích an ninh để bàn giao về địa phương quản lý, sử dụng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhưng không làm ảnh hưởng đến chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.

Quy hoạch phải thực hiện theo nguyên tắc: Tuân thủ theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ quy hoạch sử dụng đất an ninh với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương và của quốc gia đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; đồng thời cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và phù hợp với chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia đối với những vị trí đất an ninh trọng điểm. Bảo đảm cân đối giữa nhu cầu sử dụng đất của lực lượng công an với yêu cầu quản lý, sử dụng đất phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thứ bậc của quy hoạch sử dụng đất an ninh trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Bên cạnh đó, bảo đảm tính khoa học, liên tục, kế thừa trong hệ thống quy hoạch quốc gia; ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi và sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực của đất nước; hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người sử dụng đất, trong đó lợi ích quốc gia là quan trọng nhất.

Phân tích, đánh giá yếu tố tác động đến việc sử dụng đất an ninh

Nội dung Quy hoạch tập trung phân tích, đánh giá thực trạng và các yếu tố tác động đến việc sử dụng đất an ninh; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chiến lược phát triến kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; thực trạng quản lý, sử dụng đất an ninh, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất an ninh kỳ trước; nhu cầu, định mức sử dụng đất an ninh trong kỳ quy hoạch; tiến bộ khoa học và công nghệ liên quan đến sử dụng đất an ninh.

Quy hoạch dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất an ninh; cơ sở dự báo xu thế biến động sử dụng đất; dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất an ninh trong kỳ quy hoạch 2021 - 2030; xác định quan điểm và mục tiêu sử dụng đất an ninh trong kỳ quy hoạch; định hướng sử dụng đất an ninh trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 30 - 50 năm; cơ sở xây dựng định hướng sử dụng đất an ninh; định hướng đất an ninh trong kỳ quy hoạch 10 năm và tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch xác định chỉ tiêu sử dụng đất an ninh trong kỳ quy hoạch và phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh; xác định các chỉ tiêu sử dụng đất an ninh trong kỳ quy hoạch 2021-2030; phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất an ninh đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh; xác định vị trí, diện tích các khu đất an ninh theo các đầu mối quản lý của Bộ Công an; xác định vị trí, diện tích đất an ninh giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, quy hoạch xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, trong đó có giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; xác định các nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất; đồng thời xây dựng nội dung quy hoạch sử dụng đất an ninh do các đầu mối quản lý với 72 đầu mối (9 đầu mối là các Cục, Bộ Tư lệnh và Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) để đưa vào quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất an ninh; xây dựng báo cáo tổng hợp, tóm tắt quy hoạch.

Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai theo phương pháp tiếp cận hai chiều (vĩ mô và vi mô) với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương; các đối tượng của quy hoạch sử dụng đất an ninh được đặt trong mối quan hệ tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; phương pháp lập quy hoạch đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.

V.T/Báo Tin tức