03:10 03/03/2011

Quy hoạch lễ hội, nên bắt đầu từ đâu? (Bài 2)

Không ai phủ nhận tính tích cực của lễ hội, đặc biệt là việc khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Song, tình trạng tổ chức lễ hội tràn lan gây lãng phí, tình trạng “thương mại hóa” với những biến tướng tiêu cực tại các lễ hội đã khiến dư luận bức xúc.

Không ai phủ nhận tính tích cực của lễ hội, đặc biệt là việc khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Song, tình trạng tổ chức lễ hội tràn lan gây lãng phí, tình trạng “thương mại hóa” với những biến tướng tiêu cực tại các lễ hội đã khiến dư luận bức xúc.


Làm thế nào để người dân vẫn được chơi hội mà không phải phiền lòng về những vấn nạn này? Vấn đề quy hoạch tổng thể các lễ hội được đưa ra.

Bài 2: Đưa lễ hội về “cội nguồn”

Với gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, việc quy hoạch để tổng thể chung cho các lễ hội cả nước là rất cần thiết. Nhưng quy hoạch thế nào và bắt đầu từ đâu cũng còn là vấn đề cần cân nhắc. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có một quy hoạch tổng thể về lễ hội trong phạm vi cả nước.

Lễ hội nào không nhất thiết tồn tại cũng nên bỏ để tránh lãng phí. Còn lại, nên thu ngắn thời gian các lễ hội, trừ một số lễ hội lớn như lễ Giỗ tổ Hùng Vương (Phú Thọ).

Tuy nhiên, đa số các nhà nghiên cứu lại cho rằng, nên tôn trọng những lễ hội của người dân, để người dân tự quyết định, vấn đề cần làm là đưa những lễ hội đó vào quy củ để tổ chức lễ hội một cách bài bản, tránh biến tướng, làm hỏng ý nghĩa của lễ hội.

Rước Kiệu trong lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ). Ảnh: An Đăng - TTXVN


Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Lào Cai cho rằng, việc quy hoạch lễ hội là cần thiết, nhưng nếu quy hoạch để xem lễ hội nào cần thì giữ, không cần thì bỏ là không nên. Lễ hội là nhu cầu của người dân, họ có quyền thụ hưởng.

Nếu làng nào cần thì cứ tổ chức, nhưng theo đúng quy mô hội làng. Nếu quy hoạch, thì cơ quan quản lý cần nghiên cứu vai trò của lễ hội, Nhà nước can thiệp đến đâu, còn lại là để cho cộng đồng làm, vì lễ hội là của cộng đồng.

Tuy nhiên, Nhà nước cũng phải quản lý, chứ không thể buông lỏng theo kiểu đấu thầu lễ hội, khoán lễ hội. “Tôi cho rằng, tất cả những sai phạm trong việc tổ chức lễ hội là do đấu thầu di tích, khoán di tích. Không thể cái gì cũng vì đồng tiền, không phải cái gì cũng tận thu...” – ông Sơn khẳng định.

Cũng theo TS. Trần Hữu Sơn, bản thân lễ hội truyền thống không tốn kém, mà tốn kém nhất là lễ hội mới, là những ngày kỷ niệm mà ta nên gọi là sự kiện, bởi địa phương nào cũng muốn tổ chức một lễ hội thật oách, thật hoành tráng để mọi người biết đến... và càng tổ chức to, thì càng tốn kém, lãng phí.

Cùng chung quan điểm đó, PGS.TS Lê Hồng Lý, Viện phó Viện Văn hóa (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cũng cho rằng, quy hoạch có hiệu quả nhất là: “Cái gì của Xêda hãy trả về cho Xêda”, có nghĩa là cái gì vốn là của làng hãy để làng làm, cái gì quy mô cấp tỉnh thì tỉnh làm.

Còn với tư cách cơ quan cấp trên, những người quản lý như Bộ VH, TT&DL thì chỉ nên quản lý về mặt vĩ mô, về đường lối chính sách, còn những cái cụ thể nên để địa phương họ làm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cần chỉ ra những mặt được và chưa được để lễ hội được tổ chức đúng như truyền thống.

Để làm được việc đó, trước hết cần xem kỹ lại các lễ hội truyền thống đó đã và đang tồn tại như thế nào? Sau đó sẽ đưa lễ hội về với chủ nhân của nó, để chính những người sáng tạo ra các lễ hội truyền thống, sinh ra các lễ hội truyền thống đó tổ chức... như vậy thì lễ hội sẽ đi vào nề nếp.

Từ góc độ của nhà quản lý, ông Vương Duy Bảo, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT&DL) cho rằng, những lễ hội truyền thống gắn với đời sống tâm linh, với chu kỳ lao động, sản xuất của cộng đồng nhân dân mà ngày xưa các cụ vẫn gọi là hội, hội đám, hội làng... có nghi lễ đơn giản, chủ yếu là để cộng đồng làng xóm có dịp gặp gỡ, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.

Tuy nhiên, cơ chế thị trường cùng những hiểu biết sai lệch của nhiều người đã làm méo mó ý nghĩa của lễ hội. Việc quy hoạch lễ hội là cần thiết và Bộ đã giao cho Cục Văn hóa cơ sở làm. Cục Văn hóa cơ sở đã xây dựng đề cương gửi các tỉnh lấy ý kiến đóng góp, trên cơ sở đó sẽ từng bước sắp xếp lại trình tự, phân cấp cụ thể, với hội này thì xã, huyện làm gì, vào cuộc đến đâu, để giúp cho công tác quản lý và điều hành lễ hội tốt hơn.

Ông Bảo cũng cho rằng, không nên nói chuyện bỏ hay nâng cấp lễ hội truyền thống... Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, cần có một quá trình lâu dài và bài bản, cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Rõ ràng, quy hoạch lễ hội là việc làm cần thiết, nhưng để đi đến một quyết định cuối cùng cần có thái độ thận trọng, một quá trình làm việc lâu dài và bài bản.

Phương Lan

Bài 3: Chỉ nên quy hoạch đối với các Festival và lễ hội hiện đại