10:23 02/10/2012

Quy hoạch lễ hội - Bài cuối: Cần quản lý cả lễ hội hiện đại

Bên cạnh quan điểm khẳng định sự cần thiết phải quy hoạch, vẫn có những ý kiến cho rằng, quy định này là chưa đầy đủ khi “bỏ ngỏ” các lễ hội mới, lễ hội hiện đại, trong khi các lễ hội mới, lễ hội hiện đại đang còn rất nhiều bất cập, thậm chí là nặng hơn lễ hội dân gian.

Bên cạnh quan điểm khẳng định sự cần thiết phải quy hoạch, vẫn có những ý kiến cho rằng, quy định này là chưa đầy đủ khi “bỏ ngỏ” các lễ hội mới, lễ hội hiện đại, trong khi các lễ hội mới, lễ hội hiện đại đang còn rất nhiều bất cập, thậm chí là nặng hơn lễ hội dân gian.

 

Lễ hội đền Kim Liên (Hà Nội) nhằm tưởng nhớ công đức của Thần Cao Sơn Đại Vương đối với đất nước. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, loại hình lễ hội vừa thiếu bản sắc, vừa tốn kém tiền của Nhà nước cần được quy hoạch nhất hiện nay là lễ hội mới, lễ hội đương đại.

 

Ông Ngô Văn Trụ - PGĐ Sở VH, TT & DL Bắc Giang cho rằng, cần cân nhắc, nghiên cứu thêm về quy hoạch lễ hội dân gian của Bộ VH, TT & DL đưa ra. Theo ông Trụ, những lễ hội dân gian từ trước đến nay đều do dân làm, dù quy hoạch hay không quy hoạch thì lễ hội đó vẫn diễn ra, gắn với lệ làng, di tích lịch sử, văn hóa truyền thống và người dân duy trì rất tốt.


Cũng theo ông Trụ, những lễ hội tốn kém, thiếu bản sắc cần quy hoạch là những lễ hội kỷ niệm, hầu hết đều do các công ty sự kiện đứng ra làm với một kịch bản hoành tráng, dàn diễn viên hoành tráng. Những lễ hội này tốn kém hàng chục tỷ đồng của Nhà nước, đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.


PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa cho rằng, việc chỉ chọn các lễ hội dân gian đưa vào quy hoạch lễ hội lần này không chưa sự thuyết phục, vì lễ hội dân gian là lễ hội của cộng đồng, do cộng đồng làng xã làm, ta không nên can thiệp quá sâu mà hãy cứ để cho dân gian họ làm như họ vốn có.


Ông Huy lo ngại, nếu đưa vào quy hoạch mà bị lệch hướng, lễ hội đó rất dễ thoát ra khỏi cộng đồng, dẫn đến tình trạng những cộng đồng vốn là chủ thể của lễ hội lại không còn là chủ thể các hoạt động lễ hội nữa. Điều nên làm là để các cộng đồng tự tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống liên quan đến các ngày hội, các hoạt động tâm linh. Họ tự làm và họ tự quyết định, cố gắng giữ ở cấp độ làng, xã như từ xưa họ vẫn làm, cũng không nên nâng lên hay mở rộng ra.


Bởi chính các cụ ngày xưa đã “quy hoạch” rất chuẩn. Ngày hội nào, cần bao nhiêu thôn, bao nhiêu xóm người ta đã xác định rồi. Đó là nét văn hóa và bản sắc văn hóa ở từng cấp độ nhỏ nhất. Nếu ta giữ và khôi phục lại một số lễ hội ở các thôn làng mới chỉ mất đi khoảng nửa thế kỷ trở lại đây mà dân làng vẫn có nhu cầu thì chính là ta giữ được bản sắc của dân tộc.


Cũng theo ông Huy, với các lễ hội dân gian, nhà nước chỉ nên quản lý về mặt an ninh trật tự, buôn bán chặt chém khách thập phương thiếu văn hóa thì hướng dẫn, còn lại hãy để cộng đồng tự giải quyết tất cả các vấn đề về nghi lễ, kịch bản...


Thậm chí, với những lễ hội đã bị mất quá lâu rồi, nếu cộng đồng người dân không có nhu cầu phục dựng, không ai biết nó được thực hành thế nào thì các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu cũng không nên đề xuất phục dựng lại, bởi có những lễ hội nó chỉ tồn tại và chỉ phù hợp trong một giai đoạn lịch sử nhất định, mà nếu phục dựng lại không phải trong giai đoạn lịch sử ấy thì lễ hội ấy cũng không có ý nghĩa.

 

Lấy ví dụ từ việc phục dựng Lễ tế Nam Giao, đó là lễ tế trong bối cảnh xã hội phong kiến, nay chế độ phong kiến không còn, nhà vua đại điện cầu cúng không còn, thì cũng không nên phục dựng, bởi ngay cả việc tìm một nhân vật đóng vai vua sẽ làm mất tính thiêng của lễ, cho nên người dân dửng dưng, đối với những lễ hội kiểu này, việc phục dựng hay không cần được cân nhắc cẩn thận để tránh tốn kém tiền của nhà nước mà hiệu quả lại không cao.


Ngay ở Hà Nội đang bàn việc phục dựng lễ hội đèn Quảng chiếu đã mất đi từ thời Lý, vậy có nên không? Những nguyên tắc định hướng cho việc phục dựng kiểu như thế không được đưa ra trong quy hoạch để hạn chế bớt việc phục dựng các lễ hội không cần thiết.


Ông Huy cũng cho rằng, không nên đưa nghi thức lễ hội vào phạm vi quy hoạch bởi nếu quy hoạch, các nghi thức nó sẽ giống nhau trong cả nước, nếu không cẩn thận dễ bị “nhất thể hóa” các nghi lễ trong lễ hội, sẽ mất đi bản sắc văn hóa, là cái mà chúng ta đang rất cần giữ hiện nay.


Không những thế kể cả “phần Hội”, chủ yếu các trò chơi, văn nghệ trong lễ hội cũng không nên quy hoạch vì nó sẽ làm cho sơ cứng, khiến tất cả các lễ hội đều cơ bản giống nhau mất. Điều này chúng ta cũng đang thấy diễn ra.


Ông Huy đặc biệt băn khoăn khi quy hoạch nhấn mạnh việc “loại bỏ những yếu tố mê tín dị đoan” trong lễ hội. Trong hơn nửa thế kỷ, nhất là cho đến những năm 1980, hầu hết các lễ hội vẫn bị cấm do bị quy là mê tín dị đoan. Các lễ hội dân gian, nhất là ở các thôn bản thực chất chủ yếu là các lễ cúng các vị thần khác nhau ở địa phương mình. Vì thế cần rất thận trọng khi định hướng “loại bỏ những yếu tố mê tín dị đoan” và tách lễ hội ra thành 2 phần “lễ” và “hội” để quản lý.


Đại diện Cục Văn hóa cơ sở, đơn vị trực tiếp soạn thảo quy hoạch lần này cũng thừa nhận, đây là một vấn đề rất khó, rất phức tạp, không hề đơn giản như những văn bản khác, nên để cho ra đời được một bản quy hoạch tổng thể về lễ hội, Cục sẽ còn phải tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học... để xem xét xây dựng hoàn thiện.


Rõ ràng quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu khách quan, bởi lễ hội và những mặt trái của nó là một trong những vấn đề gây bức xúc, nhức nhối dư luận. Nhưng những vấn đề liên quan đến văn hóa thì không thể giải quyết vội vàng.


Chính vì vậy, để có được một đề án quy hoạch hợp lý, những người làm công tác quy hoạch cần có thái độ thận trọng, một quá trình khảo sát, nghiên cứu kỹ càng, làm việc lâu dài và bài bản để đưa ra một bản quy hoạch thực sự phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển của lễ hội hiện nay, mà vẫn đảm bảo quản lý lễ hội theo đúng pháp luật.



Phương Hà