09:23 30/09/2012

Quy hoạch lễ hội - Bài 1: Bức tranh lộn xộn

Ở nhiều địa phương còn tổ chức mở hội thật to để phô trương thanh thế dòng họ, làng xã với các địa phương khác, có những nơi lại tự ý đưa thêm nhiều yếu tố mới lạ vào trong quá trình tiến hành nghi lễ, làm biến dạng những nghi thức đã định hình của lễ hội truyền thống.

Lời khen cũng lắm, tiếng chê cũng nhiều


Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống, có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, trong những năm gần đây, rất nhiều lễ hội dân gian ở nước ta đã được khôi phục trở lại.


Một điều không thể phủ nhận là, các lễ hội đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo ra động lực để góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nhiều địa phương, bảo tồn và làm sống lại bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc.


 

Lễ hội Đền Trần 2012.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng đang tồn tại khá nhiều bất cập. Đó là do tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương, tổ chức lễ hội vì lợi ích kinh tế, ít chú trọng giá trị văn hóa làm giảm giá trị truyền thống và phai nhạt bản sắc của lễ hội.


Nhiều lễ hội dân gian lớn như lễ hội Đền Trần, chợ Viềng, Phủ Dầy (Nam Định), hội Đền bà Chúa Kho, hội Lim (Bắc Ninh), hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Chùa Hương (Hà Nội)... được tổ chức quy mô và cầu kỳ hơn trước, song cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng đặc biệt là hình thức dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu mật độ đông của du khách, dẫn đến tình trạng quá tải. Hiện tượng thương mại hóa trong các lễ hội, tình trạng lều quán bán hàng lộn xộn ở nhiều lễ hội đã làm giảm tính linh thiêng, giảm giá trị văn hóa của di tích, của lễ hội.


Ở nhiều địa phương còn tổ chức mở hội thật to để phô trương thanh thế dòng họ, làng xã với các địa phương khác, có những nơi lại tự ý đưa thêm nhiều yếu tố mới lạ vào trong quá trình tiến hành nghi lễ, làm biến dạng những nghi thức đã định hình của lễ hội truyền thống.

 

Lỗi tại ai?


Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều biến tướng trong hoạt động lễ hội là do nhiều cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của lễ hội nói chung, về công tác quản lý lễ hội nói riêng. Trong đó có một bộ phận cán bộ, đảng viên có suy nghĩ lệch lạc, thực dụng về lễ hội. Bên cạnh đó, một số cán bộ lãnh đạo ở cấp cơ sở (xã, phường, thôn, bản) coi việc tổ chức lễ hội trên địa bàn mình là “mùa làm ăn”, nên đã thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ để “kiếm lời”.


Chính vì vậy, ở nhiều địa phương, trong quá trình tuyên truyền, quảng bá cho di tích, cho lễ hội ở địa phương đã cố tình thổi phồng, bóp méo những giá trị tốt đẹp của lễ hội, dẫn đến những hiểu biết sai lệch về ý nghĩa của lễ hội. Lấy ví dụ từ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), không biết vì vô tình (hay hữu ý) mà từ ngôi đền thờ tương truyền một người có trách nhiệm trông coi “kho dự trữ của nhà nước”, thì lâu nay lại thành ra nơi xin, vay tiền của.


Hay như lễ hội Đền Trần (Nam Định). Theo nhiều nhà nghiên cứu, Lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định) vốn mang ý nghĩa rất đơn giản: Sau kỳ nghỉ Tết, đến ngày 15 tháng Giêng (âm lịch), nhà đền khai ấn để trở lại công việc. Ý nghĩa linh thiêng nhất của lễ Khai ấn là ở thời khắc đóng ấn đầu tiên của một năm mới, và người ta cũng chỉ đóng một số lượng ấn có hạn, phát cho khoảng hơn chục gia đình ở trong phạm vi làng, xã quanh đó mang về lấy may.


Thế nhưng trong quá trình quảng bá tuyên truyền để du khách đến đông, tăng nguồn thu mà những người có trách nhiệm thời gian qua đã khiến cho lễ hội bị biến dạng, với việc đóng ấn vô tội vạ để bán, và rồi rất nhiều người kéo đến đây, chen lấn xô đẩy để “mua” cho được một vài tờ giấy có đóng ấn mang về với mong muốn được thăng quan tiến chức.


Tâm lý kinh doanh chộp giật đã khiến cho những người làm dịch vụ kinh doanh ở lễ hội đua nhau chặt chém, chèo kéo khách, buôn thần bán thánh, gây rối trật tự tại lễ hội. Ngay cả khách thập phương cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực như hiện nay.


Có một thực tế rất đáng quan tâm là hằng năm, các lễ hội lớn như Chùa Hương (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Đền Trần và Phủ Dầy (Nam Ðịnh), Yên Tử (Quảng Ninh), Đền Hùng (Phú Thọ), Bà Ðen (Tây Ninh), Chùa Bà (Bình Dương)... thường thu hút hàng triệu khách thập phương hành hương, nhưng trong số đó, rất nhiều người không hiểu về thần tích, không gian văn hóa và giá trị riêng của lễ hội.


Nhiều khách thập phương, khi đến lễ hội lại mang theo những mục đích không trong sáng như đi xin, đi vay thần thánh hoặc đi “chạy” chức tước từ thần thánh...



Phương Hà

 

Bài 2: Quy hoạch tổng thể lễ hội: Cần thiết để quản lý tốt hơn