05:12 14/05/2019

Quy hoạch khai thác, sử dụng Titan - Bài 1: Cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường

Bình Thuận cũng đặt mục tiêu trở thành Trung tâm chế biến quặng sa khoáng Titan tầm quốc gia nhưng cho đến nay, quá trình thực hiện và triển khai quy hoạch Titan đã nổi lên nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Chú thích ảnh
Hồ chứa nước đãi titan tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Người dân bức xúc

Thời gian gần đây, người dân cư trú tại khu phố Suối Nước, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết có nhiều đơn kiến nghị tập thể gửi Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận và Thủ tướng Chính phủ, phản ánh tình hình khai thác trái phép của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Phú Hiệp, đã làm cạn kiệt nguồn nước ngầm trong khu vực, không đủ nước tưới cho cây và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của dân. Mặt khác, nước tuyển quặng thải ra gây ô nhiễm làm thiệt hại cây trồng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân.

Đại diện cho 30 hộ dân sống tại khu phố Suối Nước, anh Nguyễn Thọ Thái cho biết: Từ năm 2016, 2017 và đến tháng 6/2018, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Hiệp đã khoan giếng sâu lấy nguồn nước ngầm đưa vào những hồ lớn dùng để tuyển quặng Titan, làm cho nguồn nước ngầm cạn kiệt. Dù cấp có thẩm quyền đã ra quyết định tạm ngừng hoạt động khai thác Titan tại tỉnh Bình Thuận từ năm 2015, nhưng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Hiệp vẫn ngang nhiên khai thác Titan trái quy định, làm kiệt quệ nguồn nước, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và đời sống nhân dân Suối Nước. Nhiều hộ lâm vào cảnh khó khăn vì đất chưa được đền bù, số đỏ chưa cấp, ở không được và bán cũng không xong vì đất nằm trong vùng dự án...

“Trước đây, khi chưa có Công ty khai thác, nhà tôi trồng 400 cây xoài thu được khoảng 200 triệu đồng/năm. Từ năm 2014-2017, Công ty khai thác mạnh thì gia đình tôi chỉ còn thu được vài chục triệu đồng/năm. Năm 2018, tỉnh có văn bản dừng hoạt động khai thác thì gia đình thu hoạch tương đối, khoảng 150 triệu đồng/năm, còn những vườn lớn thu được nhiều hơn. Môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, cát, bụi bay bám đầy cây cối, nhà cửa, nước đãi Titan xả ra môi trường chưa xử lý, làm ô nhiễm nguồn nước của dân, cây chết dần chết mòn. Sức khỏe, tinh thần của chúng tôi ngày càng suy sụp, một số bệnh lạ xuất hiện, có thể do ảnh hưởng ô nhiễm phóng xạ, bụi, nguồn nước. Đặc biệt, gần đây một số nông dân làm vườn sát khu khai thác Titan bị mắc bệnh lạ như đầu móng tay, móng chân bị bong tróc, biến dạng... Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần với chính quyền, khu phố, phường và cấp trên, nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết” - anh Thái bức xúc nói.

Cũng sống ở khu Long Sơn – Suối Nước, anh Nguyễn Thọ Tiến cho biết: "Gia đình tôi có 6 người, nhờ trồng xoài nên nuôi được các con ăn học đầy đủ. Trước kia, năm nào gia đình tôi cũng thu hoạch vài trăm triệu đồng, nay hầu như cây bị chết gần hết do thiếu nước, số cây còn sống ra trái nhỏ, thu hoạch giảm. Nhất là khi có gió Đông Nam, bụi cát từ các ngọn đồi “nhân tạo” do khai thác Titan hình thành, trùm lên cây cối, nhà cửa, che phủ hết cây xoài, bông ra hoa cũng đóng bụi đỏ không phát triển được. Nếu doanh nghiệp ngưng hoạt động thì chúng tôi mới thu hoạch được. Hiện nước sinh hoạt của gia đình chủ yếu là dùng nước ngầm từ nhà máy nước. Hơn nữa, theo quy định, sau khi khai thác thì phải hoàn thổ như ban đầu, nhưng doanh nghiệp có làm đâu, rồi việc trồng cây để phục hồi môi trường, phủ lại màu xanh cho đất họ làm cũng rất qua loa".

Suy thoái hệ sinh thái

Theo Ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, Bình Thuận là một trong hai tỉnh khô hạn nhất cả nước, lượng mưa bình quân chỉ khoảng từ 500-800 mm/năm trong khi lượng mưa bình quân cả nước khoảng 1600 mm/năm. Đặc biệt, vùng ven biển Bình Thuận từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná (Ninh Thuận) đến vùng Sơn Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) là vùng cát rộng khoảng 120.000 ha. Đây là vùng khô hạn nhất của tỉnh, vào mùa mưa nhờ tầng phủ thực vật lưu lại nước ở tầng cát.

Việc khai thác Titan dẫn đến 100% tầng phủ thực vật bị hủy diệt toàn bộ; cây bản địa bị phá hủy làm thay đổi địa hình địa mạo toàn bộ vùng cát ven biển; đồng thời nước ngầm bị khai thác để tuyển lựa Titan dẫn đến cạn kiệt. Trong khi việc sử dụng nước ngầm trên địa bàn cũng chỉ đủ để sử dụng cho sinh hoạt của người dân, nên tỉnh không có chủ trương khai thác nước ngầm cho phát triển công nghiệp. Đặc biệt, tầng nước ngầm chủ yếu chỉ có ở vùng thấp ven bờ biển, còn ở địa hình cao hầu như mực nước ngầm nằm rất sâu dẫn đến không có nước tưới cho các loại cây trồng và cây bản địa.

Thực tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tất cả các dự án khai thác Titan đều sử dụng nước ngầm để tuyển lựa, dù trong báo cáo xây dựng dự án đều cho rằng sử dụng nguồn nước mặt nhưng nguồn nước mặt tại Bình Thuận rất hạn chế. Hiện tỉnh phải di chuyển nước từ lưu vực phía Bắc xuống phía Nam, từ phía Tây sang phía Đông, từ các lưu vực như sông La Ngà về vùng phía Nam (La Gi, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam), phía Bắc chuyển về huyện Bắc Bình bằng các công trình thủy lợi rất tốn kém.

“Tỉnh cũng đang tiến hành xây dựng Trạm bơm khu Lê Hồng Phong tốn kém hàng ngàn tỷ đồng. Về nước mặt, dự án khai thác Titan làm suy giảm nước ngầm, kể cả lượng nước và mực nước, chưa nói đến việc nước khai thác rò rỉ, bị vỡ tràn lan ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng nước ngầm ven biển. Hiện nay và trong tương lai, Bình Thuận không thể có đủ nước để phục vụ cho tuyển lựa khai thác Titan”, ông Quý cho biết.

Bài 2: Lợi bất cập hại

Diệu Thúy (TTXVN)