10:15 30/10/2018

Quy hoạch đô thị TP Hồ Chí Minh cần giải quyết các vấn đề dân sinh

Việc quy hoạch đô thị hợp lý sẽ giúp TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững, giảm gánh nặng đầu tư và khắc phục các vấn đề dân sinh đang ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Tại hội thảo “Quy hoạch đô thị - TP Hồ Chí Minh thực tiễn và cơ hội đầu tư” do Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Tin tức VTVT 24 tổ chức vào ngày 30/10, hầu hết các đại biểu đã chỉ ra rằng, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhanh, mực triều cường ngày càng cao đã cho thấy công tác quy hoạch phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh đang thiếu tầm nhìn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Chú thích ảnh
Quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh cần hướng đến việc cải thiện, nâng cao đời sống người dân.

Ông Lý Khánh Tâm Thảo, quyền Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng, quy hoạch đô thị thành phố đang đối mặt với vấn đề đô thị ngập nước. Mỗi khi triều cường dâng cao, hầu hết các khu dân cư hiện hữu hay khi đô thị mới trong khu vực quận 2, 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh… đều nằm sâu dưới mực nước và bị ngập. Cuộc sống của người dân dù ở trong các cao ốc chọc trời nhưng xung quanh các tuyến đường vẫn bị ngập sâu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, trong trường hợp mực nước biến dâng 100 cm nếu thành phố không có giải pháp ứng phó thích hợp thì khoảng gần 18% diện tích TP Hồ Chí Minh có khả năng bị ngập sâu hơn hiện nay. Vì vậy, quy hoạch phát triển chung thành phố cần tích hợp chiến lược quản lý các rủi ro như: ngâp lụt, phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu. Quy hoạch đô thị không chỉ là những giải pháp xây dựng các công trình, đê bao, hồ điều tiết, công ngắn triều... mà còn là những chiến lược phát triển đô thị ở những khu vực khác nhau, có liên kết, kết nối để hướng đến đô thị văn minh, hiện đại, sạch sẽ.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, công tác quy hoạch đô thị là một thành tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của TP Hồ Chí Minh. Thông qua quy hoạch đô thị, tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội được thể hiện và đó là kim chỉ nam cho quá trình phát triển đô thị của thành phố. Tuy nhiên, phát triển đô thị trong những năm qua cho thấy TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với rất nhiều thách thức cả cũ và mới của quá trình phát triển đô thị. Bên cạnh nhưng vấn đề mang tính chất thời sự như tăng dân số cơ học nhanh, ngập nước đô thị, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… thành phố còn phải đối mặt với những vấn đề mới như sụt lún đô thị, nhu cầu năng lượng cho các lĩnh vực sản xuất mới, cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp số.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh xây dựng quy hoạch chung theo hướng lan tỏa và gắn với việc liên kết vùng.

Là người tham gia thực hiện quy hoạch thành công cho đô thị mới Marne La Vallee của Pháp, ông Michel Fanni, Giám đốc phát triển và cải tiến đô thị mới Marne La Vallee, cho biết, quy hoạch đô thị TP Hồ Chí Minh đang phát triển theo hướng lan tỏa, thành phố sẽ hình thành nhiều đô thị mới nhưng điều quan trọng là giải pháp không đến từ một chuyên gia hay một công ty tư vấn mà phải huy động từ nhiều ngành, nhiều người.

“Muốn thực hiện quy hoạch đô thị hiệu quả, trước tiên thành phố cần nâng cao hình ảnh kết nối, phải xây dựng thành thành phố sinh thái để chống chọi với biến đổi khi hậu. Ngoài ra, cần phải xây dựng hình ảnh thành phố để thành phố có dấu ấn riêng. Đặc biệt, trong quy hoạch tổng thể của thành phố phải giải quyết nhiều vấn đề dân sinh như kẹt xe, gia tăng dân số, giải quyết ngập lụt và phải xây dựng hình ảnh siêu đô thị nhưng vẫn giữ được đặc trưng bản sắc thành phố”, ông Michel Fani chia sẻ thêm.

Theo Sở Quy hoạch và kiến trúc TP Hồ Chí Minh, thành phố đang có kế hoạch phát triển toàn diện và đồng bộ theo quy hoạch chung của thành phố. Thứ nhất, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, trong đó áp dụng công nghệ thông tin để tránh những ảnh hưởng xấu đến phát triển chung. Thứ hai, phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông chiếm 11% tổng diện tích đất của thành phố, gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. Tại đây, khu công nghệ cao, khu chế xuất – khu công nghiệp và khu đô thị mới Thủ Thiêm được liên kết, kết hợp với nhau. Thứ ba, phát triển khu du lịch biển Cần Giờ với diện tích 2.800 ha. Ngoài các dự án trên, thành phố còn cải tạo khu trung tâm hiện hữu kết nối với khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2).

Nói về kế hoạch quy hoạch đô thị chung của thành phố, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, song song với phát triển quy hoạch đô thị, thành phố cần tiến hành giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân trong vùng bị giải tỏa. Sắp tới, quy hoạch chung của thành phố dựa trên tinh thần 4 hướng ưu tiên phát triển thành phố, trong đó có 2 hướng chính về hướng Đông, Nam, 2 hướng phụ là phía Tây Bắc và Tây Nam. Quy hoạch chung của thành phố sẽ đặt trong mối liên kết và chia sẻ với các tỉnh thành trong vùng về hạ tầng kỹ thuật, các khu vực chức năng cũng như chia sẻ những nhu cầu nhà ở và người lao động. Trong khi chờ quy hoach mới thành phố đang cố gắng giải quyết các vấn đề cũ với tính thần lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư góp ý để điều chỉnh quy hoạch chung kịp thời, tập trung giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh có cao độ thấp, chỉ từ 0,5m (Nhà Bè, Cần Giờ) đến khoảng 32m (đồi Long Bình, quận 9). Vùng trũng thấp của thành phố ở phía Nam - Tây Nam - Đông Nam thuộc các quận, huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7, quận 8, quận 2, một phần quận 9; Vùng cao nằm ở phía Bắc - Đông Bắc - Tây Bắc thuộc các quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, một phần quận Thủ Đức, quận 9. Địa hình của thành phố thấp dần từ Bắc - Tây Bắc xuống Nam - Đông Nam - Tây Nam; hệ thống sông Sài Gòn theo chế độ bán nhật triều làm tăng thêm khó khăn cho việc thoát nước. Theo kịch bản, nếu nước biển dâng chỉ 0,5 m thì TP Hồ Chí Minh cũng sẽ bị ngập ở nhiều khu vực nội và ngoại thành.

 

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức