10:13 24/10/2017

Quy định rõ vị trí việc làm để 'trị bệnh' thừa cấp phó

Một trong những đột phá tại Hội nghị Trung ương 6 là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong tổ chức trong hệ thống chính trị, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ở nhiều địa phương, đơn vị, bộ ngành, tình trạng thừa cán bộ, nhất là cấp phòng đang khiến dư luận quan tâm.

Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với các đại biểu quốc hội bên lề kỳ họp quốc hội sáng nay (24/10) về nội dung này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) trao đổi với phóng viên.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Phải quy định rõ vị trí việc làm

Bộ máy của chúng ta hiện nay rất cồng kềnh là do bản thân tổ chức bộ máy chồng chéo, quy định vị trí việc làm trách nhiệm mỗi người thực thi công vụ không rõ. Đặc biệt, chúng ta còn đang lẫn bộ máy hành chính nhà nước với bộ máy những người được hưởng lương nhưng là các cơ quan tổ chức dịch vụ công.

Việc bổ nhiệm cán bộ nhiều, đặc biệt là cán bộ cấp phó thời gian qua có 2 nguyên nhân: Bản thân mỗi cá nhân muốn vươn lên nên tìm mọi cách đạt được vị trí bổ nhiệm, trong bộ máy quy định trách nhiệm không rõ ràng nên xảy ra tình trạng trên.

Nuyên nhân thứ hai là việc bổ nhiệm chạy theo nguyện vọng cá nhân, không cần thiết nhưng vẫn bổ nhiệm. Điều này phải xử lý nghiêm để đảm bảo không phải bằng con đường chạy chức chạy quyền chạy vị trí mà đạt được danh vọng.

Theo tôi, muốn thay đổi bộ máy, cải cách hành chính phải thay đổi tổ chức bộ máy, từ đó chuyển sang quy định rõ vị trí việc làm, khi xác định đúng vị trí việc làm, chúng ta biết được trách nhiệm của cán bộ đến đâu và như vậy số lượng biên chế mới giảm xuống.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH đoàn Đồng Tháp trao đổi với phóng viên


Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH đoàn Đồng Tháp:
Cần sắp xếp lại bộ máy các cấp

Thực tế hiện nay nhiều sở, ngành, vụ, cục, tổng cục có số lượng cấp phó quá đông, có những ngành, sở ngành, cơ quan là trùng chức năng, nhiệm vụ nhưng vẫn tách ra để tăng thêm biên chế, tăng thêm cấp phó, đó là bất hợp lý. Tôi đã thấy có phòng có 3 người nhưng có 1 trưởng phòng và 2 phó phòng, không có nhân viên và chuyên viên.

Vấn đề dư cấp phó tồn tại nhiều năm nay, do đó để chấn chỉnh, giảm cấp phó phải tính toán lại, sắp xếp bộ máy, từ tổng cục đến cục, những đơn vị trực thuộc Bộ, UBND các cấp, lúc đó mới hi vọng tinh giản được bộ máy cấp phó. Đặc biệt, cần phân công rõ nhiệm vụ, một người làm được nhiều công việc và một công việc chỉ được một tổ chức, một cơ quan đơn vị đó thực hiện thì hi vọng tinh giản cán bộ đảm bảo hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc quản lý cán bộ cũng cần được quan tâm. Hiện nay, việc kê khai minh bạch tài sản của cán bộ còn có kẽ hở, có thanh tra, kiểm tra nhưng chưa đến nơi đến chốn, khi sự việc xảy ra rồi mới kiểm tra thanh tra.

Thời gian qua, chúng ta mới có bước đầu là đặt vấn đề phải kê khai tài sản, là trách nhiệm cán bộ Đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phân cấp quản lý phải kê khai. Nhưng việc có kê khai có trung thực hay không thì đòi hỏi phải có thanh tra, kiểm tra minh bạch. Không kiểm tra tài sản mỗi cán bộ thìcó thể xảy ra tình trạng họ giấu diếm hoặc kê khai không trung thực.

Do đó, các chỉ đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ phải có phòng ngừa trước khi xảy ra sai phạm, phải có nhắc nhở, kiểm tra từ đầu vào và ý thức nhận thức của mỗi cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo phải có sự gương mẫu, minh bạch trong kê khai tài sản. Cán bộ phải kê khai rõ những tài sản nào của mình tạo ra bằng hai bàn tay, bằng việc làm của mình, những tài sản nào là quà tặng, biếu, cho phải có sự thành thật báo cáo với tổ chức cơ quan thì lúc đó mới đảm bảo minh bạch.

Trang Thu/Báo Tin Tức