11:06 08/11/2014

Quy định rõ trách nhiệm các thành viên Chính phủ

Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ trong luật. Đồng thời, khống chế số lượng cấp phó, không để tình trạng bổ nhiệm cấp phó diễn ra tùy tiện, tràn lan như hiện nay.

Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ trong luật. Đồng thời, khống chế số lượng cấp phó, không để tình trạng bổ nhiệm cấp phó diễn ra tùy tiện, tràn lan như hiện nay.

Luật hóa trách nhiệm cá nhân


Ngày 7/11, thảo luận ở tổ về hai dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo các đại biểu, cần quy định rõ trách nhiệm của các thành viên chính phủ trong luật, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”, sai phạm diễn ra cụ thể nhưng không quy trách nhiệm cụ thể được.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng: “Luật phải thể hiện trên nguyên tắc, lãnh đạo tập thể dựa trên quyết định cá nhân. Như hiện nay, nhiều vụ việc sai phạm rõ ràng nhưng quy trách nhiệm lại không có, lãnh đạo tập thể thì không có trách nhiệm thuộc về ai”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn:

Phân định rõ quyền hạn trong địa giới hành chính

Thực tế, việc tranh chấp địa giới ở một số nơi chưa được giải quyết dứt điểm, quyền giải quyết này thuộc về ai?. Ví dụ, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế trang chấp một đảo ở Sơn Trà. Trước đây, lực lượng biên phòng Đà Nẵng đóng trên đó, nhưng bão thì rút về. Sau đó, Thừa Thiên - Huế lại ra đóng ở đó. Khi còn làm trong quân đội, tôi lên đảo mà chính quyền ở đó không cho lên. Vừa qua, họ lại cho đơn vị nước ngoài vào khai thác. Do vậy, việc tranh chấp diễn ra dai dẳng, không giải quyết dứt điểm được. Vấn đề Sơn Trà đã lên tới Bộ Chính trị mà chưa giải quyết được. Ngay trong các thôn, cũng thường xảy ra tình trạng này, ai là người giải quyết cuối cùng. Do vậy, cần quy định rõ việc này trong luật tổ chức chính quyền địa phương. Còn vấn đề tranh chấp lớn thì tôi đề xuất đưa ra quốc hội quyết định cuối cùng.

Đại biểu Doãn Thế Cường (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hưng Yên):

Luật hóa số lượng cấp phó

Đã đến lúc Quốc hội phải quyết định tổng biên chế trong bộ máy nhà nước. QH đã quyết các vấn đề lớn như: ngân sách, tài chính... nên có thể quyết định được chỉ tiêu này, vì liên quan tới bộ máy, ngân sách. Ngoài ra, quy định rõ số lượng phó thủ tướng, không nên quá 5. Số lượng thứ trưởng, trừ Bộ Quốc phòng và Công an không quá 6, các bộ khác không nên quá 5. Vừa qua, số lượng thứ trưởng nhiều nên không phát huy được vai trò của các vụ, cục giúp việc. Mỗi Thứ trưởng quản lý một mảng thì nhiều quá, nên chúng ta phải có bộ máy giúp việc, trợ lý, cục trưởng, vụ trưởng. Ở địa phương, UBND cũng quy định số lượng phó chủ tịch, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không quá 5, các tỉnh khác không quá 4.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: “Cần đề cao trách nhiệm cá nhân. Như vụ việc thẩm mỹ viện, tiêm nhầm vắcxin gây chết người... trách nhiệm của người lãnh đạo như thế nào. Tôi hỏi đồng chí phụ trách vấn đề này, được câu trả lời là do Đảng, Chính phủ phân công. Trả lời như vậy, làm sao dân chịu, người ta có đứa con duy nhất chết, đau lòng lắm chứ. Còn như ở Hàn Quốc, chìm phà, lãnh đạo phải từ chức ngay lập tức”.

Hơn nữa, “An toàn thực phẩm, dân ăn ung thư chết không ai chịu trách nhiệm, chỉ tuyên truyền đẩy mạnh, phòng chống...”, ông Nghĩa nói thêm.

Về an toàn vệ sinh thực phẩm, “Chưa có ai chịu trách nhiệm cụ thể, bộ nào cũng có trách nhiệm một chút, Công Thương, Công an, Y tế, Nông nghiệp... khi chất vấn thì trả lời rất chung chung. Cần phải khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ ngỏ này”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nói.

Do vậy, “Cần cụ thể hóa mối quan hệ giữa Thủ tướng và các thành viên chính phủ, trách nhiệm của bộ máy tham mưu cho Thủ tướng, vì Thủ tướng không thể bao quát hết các lĩnh vực được”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nói thêm.

Ngoài ra, các đại biểu còn cho rằng, nên hạn chế số lượng thứ trưởng, cấp phó. “Số lượng cấp phó, thứ trưởng, cần khống chế số lượng tối đa. Còn lại, căn cứ vào từng ngành để sắp xếp. Hiện nay, Bộ Công An có tới 11 thứ trưởng là quá nhiều. Nên khống chế trong luật không có quá 7 thứ trưởng. Hay ở sở giao thông các tỉnh, có tỉnh tới 7 phó giám đốc, có tỉnh chỉ có 3 phó. Do vậy, cần khống chế số lượng cấp phó”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói.

Cùng quan điểm này, Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: “Phải cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ, quy định rõ trong luật bao nhiêu bộ, bao nhiêu thứ trưởng, bao nhiêu tướng tá... như hiện nay quá nhiều, nở ra nhiều lãnh đạo, ở dưới thì lại bóp lại”.

Chưa nên bỏ HĐND

Thảo luận dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đa số các đại biểu cho rằng, chưa nên bỏ Hội đồng nhân dân (HĐND) vì việc thí điểm vừa qua chưa được tổng kết, đánh giá. Bên cạnh đó, cơ quan này có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp, do vậy không nên bỏ.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho biết: “Về mặt lý luận, chúng tôi vẫn không thông. Không có HĐND thì dân sẽ không bầu, vậy có nên gọi là Ủy ban Nhân dân quận, huyện nữa không. Không có HĐND thì không hạn chế quyền lực của UBND, họ được toàn quyền sử dụng quyền lực nhà nước, ví dụ như: quyền thu hồi đất, xử phạt hành chính... rất khó kiểm soát, liệu như vậy có ổn không”.

Do vậy, “Tôi cho rằng, ở đâu có cơ quan hành pháp thì ở đó phải có cơ quan giám sát, phải có cơ quan do người dân bầu ra đại diện cho mình để giám sát việc thực hiện, nhưng cách thức hoạt động như thế nào cho hiệu quả. Thí điểm bỏ HĐND ở các phường, nhưng nên chăng là liên kết các phường ở trong địa bàn để giám sát, tinh giản bộ máy, ở các tỉnh miền núi thì khó thực hiện hơn. Do vậy, cách thức tổ chức phải sao cho hiệu quả, tránh lãng phí”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nói.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) còn nêu lên một thực tế: “HĐND giới thiệu Chủ tịch UBND để bầu, Chủ tịch giới thiệu các thành viên của UBND để bầu tiếp, các kết quả này phải gửi lên cấp trên để duyệt, nhưng UBND cấp trên không phê chuẩn thì việc bầu này có được phê chuẩn không, hay phải làm lại. Đây là vướng mắc phổ biến trong thực tế, cần được quy định rõ”.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương. Để địa phương chủ động kế hoạch phát triển kinh tế.

“Nhà nước có chủ trương giữ lại 3,8 triệu ha đất lúa. Chính quyền địa phương muốn chuyển từ trồng lúa sang trồng thanh long rất khó khăn, việc chuyển đổi phải xin ý kiến lên tận bộ, tận Chính phủ, gây nhiều phiền hà. Do vậy, cần quy định rõ ràng quyền hạn của cấp địa phương, để họ dễ thực hiện”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nói.

Hữu Vinh