04:06 28/04/2018

Quy định phạm vi bảo vệ đường sắt

Chính phủ vừa ban hành Nghị định56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

Đoàn tàu khách chất lượng cao tại ga Hà Nội. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Nghị định quy định: đường sắt tốc độ cao là 7,5 m; đường sắt đô thị là 5,4 m; đường sắt còn lại là 5,6 m. Phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường đào, nền đường đắp được xác định 5 m tính từ chân nền đường đắp hoặc mép đỉnh nền đường đào; 3 m tính từ mép ngoài rãnh dọc hay mép ngoài rãnh đỉnh của nền đường hoặc mép ngoài của công trình phòng hộ, gia cố đối với nền đường có rãnh dọc hay rãnh đỉnh, có công trình phòng hộ, gia cố của nền đường.

Nghị định quy định, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định như sau: Đối với đường sắt tốc độ cao, trong khu vực đô thị là 5 m, ngoài khu vực đô thị là 15 m. Đối với đường sắt tốc độ cao, phải xây dựng rào cách ly hành lang an toàn giao thông đường sắt để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép; đường sắt đô thị đi trên mặt đất và đường sắt còn lại là 3 m.Chiều cao hành lang an toàn giao thông đường sắt được tính từ mặt đất trở lên theo phương thẳng đứng đến giới hạn phạm vi bảo vệ trên không của đường sắt theo quy định tại phạm vi bảo vệ đường sắt nêu trên.

Hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang được quy định như sau: Người lái tàu ở vị trí của mình nhìn thấy đường ngang từ khoảng cách 1000 m trở lên; đối với đường ngang không có người gác, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi ở cách đường ngang một khoảng cách bằng tầm nhìn hãm xe đối với cấp đường đó nhìn thấy đoàn tàu ở cách đường ngang ít nhất bằng tầm nhìn ngang của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ kể từ giữa chỗ giao.

TTXVN/Báo Tin tức