07:10 23/07/2025

Quy định mới về tiêu chuẩn tuyển chọn; trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị

Chính phủ ban hành Nghị định số 209/2025/NĐ-CP ngày 21/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 nghị định của Chính phủ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng.

Chú thích ảnh
  Lực lượng tham gia duyệt binh được huấn luyện về điều lệnh đội ngũ cá nhân, đội ngũ khối, bảo đảm đúng, đều, đẹp, thống nhất, chính quy. Ảnh minh họa: TTXVN phát 

Nghị định số 209/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2012/NĐ-CP quy định một số chế độ đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, công an đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Nghị định số 102/2018/NĐ-CP quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; Nghị định số 78/2020/NĐ-CP về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nghị định số 79/2020/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên...

Tăng độ tuổi tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị cho đối tượng là sinh viên khi tốt nghiệp đại học

Nghị định số 209/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định số 78/2020/NĐ-CP về tiêu chuẩn cụ thể tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị theo hướng tăng độ tuổi của sinh viên khi tốt nghiệp đại học, tuổi đời không quá 32 (tăng 2 tuổi so với quy định tại Nghị định 78/2020/NĐ-CP).

Cụ thể, theo Nghị định số 209/2025/NĐ-CP: Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ, hạ sĩ quan dự bị đã giữ chức phó trung đội trưởng hoặc cán bộ tiểu đội và tương đương; tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, nếu thiếu, tuyển chọn đến tốt nghiệp trung học cơ sở, với người dân tộc thiểu số tuyển chọn trình độ học vấn lớp 7 trở lên; tuổi đời đối với quân nhân chuyên nghiệp không quá 35, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ và hạ sĩ quan dự bị không quá 30.

Cán bộ, công chức, viên chức; tuổi đời không quá 35; riêng đào tạo sĩ quan dự bị ngành y, dược, tuổi đời không quá 40; đào tạo sĩ quan dự bị chính trị phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công dân tốt nghiệp đại học trở lên, tuổi đời không quá 35; sinh viên khi tốt nghiệp đại học, tuổi đời không quá 32.

Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị

Nghị định số 209/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi Điều 10 Nghị định số 78/2020/NĐ-CP về trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị theo hướng rút ngắn thời gian thực hiện đăng ký; mở rộng hình thức đăng ký qua môi trường điện tử; thay đổi cấp quản lý và báo cáo từ cấp huyện lên cấp tỉnh để phù hợp với chính quyền 2 cấp.

Cụ thể, đăng ký lần đầu: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này về nơi thường trú hoặc nơi lao động, làm việc (theo giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền) phải mang giấy giới thiệu và thẻ sĩ quan dự bị đăng ký trực tiếp hoặc gửi trên môi trường điện tử đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức để thực hiện đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho các đối tượng nêu trên trực tiếp hoặc gửi trên môi trường điện tử đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tại nơi thường trú để đăng ký.

Từ ngày 25 đến ngày 30 hằng tháng, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tổng hợp danh sách sĩ quan dự bị đã đăng ký báo cáo về Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi sĩ quan dự bị thường trú, lao động, làm việc để quản lý.

Đăng ký bổ sung: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày sĩ quan dự bị có sự thay đổi các yếu tố đã đăng ký, đăng ký trực tiếp hoặc gửi trên môi trường điện tử đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức để đăng ký bổ sung. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho sĩ quan dự bị trực tiếp hoặc gửi trên môi trường điện tử đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tại nơi thường trú để đăng ký bổ sung.

Từ ngày 25 đến ngày 30 hằng tháng, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tổng hợp đăng ký bổ sung của sĩ quan dự bị báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh.

Đăng ký di chuyển: Sĩ quan dự bị trước khi di chuyển nơi thường trú hoặc nơi lao động, học tập, làm việc từ xã này sang xã khác phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã sở tại để làm thủ tục giới thiệu chuyển về Ban Chỉ huy quân sự nơi sẽ đến thường trú hoặc lao động, học tập, làm việc mới.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày đến nơi thường trú hoặc lao động, học tập, làm việc mới, sĩ quan dự bị phải đăng ký trực tiếp hoặc gửi trên môi trường điện tử đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi đến để đăng ký theo quy định tại khoản 1 nêu trên.

Đăng ký vắng mặt: Sĩ quan dự bị khi vắng mặt tại nơi thường trú hoặc nơi đang lao động, học tập, làm việc: Vắng mặt từ 30 ngày trở lên, sĩ quan dự bị phải báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, hoặc cơ quan, tổ chức nơi đang lao động, học tập, làm việc.

Từ ngày 25 đến ngày 30 hằng tháng, nếu có sĩ quan dự bị vắng mặt, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tổng hợp báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; sĩ quan dự bị đã sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên vắng mặt từ 3 tháng trở lên, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã phải thông báo cho đơn vị nhận nguồn sĩ quan dự bị biết; khi có lệnh tổng động viên, hoặc động viên cục bộ, sĩ quan dự bị phải trở về ngay nơi thường trú hoặc nơi đang lao động, học tập, làm việc để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Sĩ quan dự bị được cử đi công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài hoặc ra nước ngoài vì việc riêng phải báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị lao động, học tập, làm việc và nộp thẻ sĩ quan dự bị. Từ ngày 25 đến ngày 30 hằng tháng, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị đang lao động, học tập, làm việc phải đến Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh để đăng ký vắng mặt và nộp lại thẻ sĩ quan dự bị.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ở nước ngoài về đến nơi thường trú, hoặc nơi lao động, học tập, làm việc, sĩ quan dự bị phải thực hiện đăng ký bổ sung theo quy định tại khoản 2 nêu trên.

Đăng ký riêng: Sĩ quan dự bị thuộc diện được miễn gọi phục vụ tại ngũ trong thời chiến theo quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 và 9 Nghị định số 14/2016/NĐ-CP quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày sĩ quan dự bị nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ thuộc diện nêu trên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, nơi không có Ban Chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị đang lao động, học tập, làm việc thông báo bằng văn bản hoặc gửi trên môi trường điện tử cho Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh biết để đăng ký vào diện miễn gọi phục vụ tại ngũ trong thời chiến.

TTXVN/Báo Tin tức và Dân tộc