11:22 24/11/2016

Quy định đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần

Quyết định 47/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

 Quyết định này đưa ra các quy định đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; máy móc thiết bị bảo quản hải sản; máy móc, trang thiết bị bảo quản hàng hóa; trang thiết bị bốc xếp hàng hóa.

Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 800 CV đến dưới 1.000 CV: Chủ tàu được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu. Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên: Chủ tàu được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 9,8 tỷ đồng/tàu.  

Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản: Trường hợp đóng mới tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 800 CV đến dưới 1.000 CV: Chủ tàu được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu cá nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu cá.

Trường hợp đóng mới tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên: Chủ tàu được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu cá nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu cá. Trường hợp đóng mới tàu cá vỏ composit có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên: Chủ tàu được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu cá nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu cá. Trường hợp đóng mới tàu cá vỏ gỗ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên: Chủ tàu được hỗ trợ 15% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu cá nhưng không quá 2 tỷ đồng/tàu cá.