05:15 15/05/2015

Quy định dán tem bia lại "nóng"

Tại buổi tọa đàm Quy hoạch và công tác quản lý ngành bia Việt Nam do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát tổ chức ngày 14/5, các các ý kiến tiếp tục đề nghị bỏ đề xuất dán tem bia vì cho rằng không cần thiết, lãng phí.

Tại buổi tọa đàm Quy hoạch và công tác quản lý ngành bia Việt Nam do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát tổ chức ngày 14/5, các các ý kiến tiếp tục đề nghị bỏ đề xuất dán tem bia vì cho rằng không cần thiết, lãng phí.

Theo hiệp hội, nếu đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành bia, trong đó có quy định dán tem bia được thông qua thì chỉ riêng tiền đầu tư mua máy dán tem của các doanh nghiệp đã khoảng 3.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí mua tem và chi phí quản lý vận hành. Như vậy, với sản lượng 10 tỷ sản phẩm/năm, tổng chi phí hàng năm cho việc dán tem bia sẽ lên đến 6.500 - 7.000 tỷ đồng. Chi phí này chắc chắn sẽ phải tính vào giá sản phẩm.

Quy định dán tem bia có thể khiến các DN tiêu tốn 7.000 tỷ đồng mỗi năm.


Ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc công ty TNHH Một thành viên thương mại Sabeco cho biết, việc dán tem sẽ tác động lớn đến sản xuất của doanh nghiệp. Hiện nay, 3 DN lớn trong ngành bia là bia Hà Nội, bia Sài Gòn và bia Heineken đã chiếm đến 80% sản lượng thị trường. Các DN này đều có quá trình quản lý giảm sát tốt, hạch toán đầy đủ và báo cáo thường xuyên với Bộ Công Thương.

“Do đó việc dán tem không giúp việc quản lý tốt hơn như mục tiêu đề ra của quy định này. Chỉ những DN nhỏ mới cần quản lý bằng dán tem”, ông Xanh nói.

Cũng theo ông Xanh, nếu giá thành vị đội lên thì tiêu dùng sẽ giảm, nguồn thu ngân sách cũng sẽ giảm.

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Đình Thanh, Phó Tổng giám đốc Bia Hà Nội cho rằng, số bia giả, bia lậu trên thị trường hiện rất ít so với sản lượng cả tỷ lít bia. Vì thế, lý do này không đáng kể để phải dán tem chống hàng giả. Mặt khác, việc dán tem cũng khiến cho dây chuyền sản xuất đã thiết lập sẵn trở lên không đồng bộ.

Quy định dán tem bia từng nóng lên khi dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh bia của Bộ Công Thương được đưa ra lấy ý kiến. Hiệp hội Bia Rượu NGK đã có văn bản phản đối quy định này gửi lên các bộ ngành và chính phủ.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho biết, ngành bia đã tăng trưởng 15 – 20% trong giai đoạn 2005-2010, hiện nay tốc độ tăng trưởng chỉ còn khoảng 8 - 10%. Theo quy hoạch của ngành, năm 2015, sản lượng sản xuất là 4 tỷ lít. Tuy nhiên, năm 2014 công suất mới đạt 3,2 tỷ lít nên khả năng năm nay chưa đạt con số 4 tỷ lít.

Hoàng Dương