08:21 28/08/2015

"Quý cô bụi" trong vụ 11/9 qua đời vì ung thư

“Quý cô bụi” Marcy Borders, một biểu tượng nổi tiếng của vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại nước Mỹ đã qua đời ở tuổi 42 vì bệnh ung thư dạ dày.

“Quý cô bụi”, một biểu tượng nổi tiếng của vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại nước Mỹ, đã qua đời ở tuổi 42 vì bệnh ung thư dạ dày.

Marcy Borders có biệt danh “Quý cô bụi” sau khi một nhiếp ảnh gia chụp lại được hình ảnh toàn thân cô bị bụi phủ trắng, hoảng hốt rời khỏi tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới đang bị nhóm khủng bố Al-Qaeda tấn công.

Gia đình Marcy Borders cho biết cô qua đời vào cuối ngày 25/8 vì căn bệnh ung thư dạ dày, di chứng của việc hít quá nhiều bụi lúc tòa tháp đôi đổ sập xuống, cộng với chứng nghiện ngập và tâm lý bất ổn. Nỗi đau mất mát quá nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã đè nặng lên Marcy suốt nhiều năm qua.

Con gái Noelle của Marcy, chia sẻ với tờ New York Post rằng mẹ mình đã “đánh một trận chiến ngoạn mục”. “Bà không chỉ là ‘Quý cô bụi’ mà còn là anh hùng của tôi, bà sẽ sống mãi trong tôi”, Noelle nói.

Bức ảnh "Quý cô bụi" đã làm cả thế giới nghẹn ngào vì sự thảm khốc của vụ tấn công khủng bố.


Vào ngày định mệnh 11/9/2001, Marcy mới chỉ 28 tuổi, đang ngồi làm việc tại văn phòng Ngân hàng Mỹ ở tầng 81 của tòa tháp Bắc. Cô mới vào làm tại đây được 1 tháng. Khi máy bay đâm vào tòa nhà, ông chủ của cô khuyên mọi người trú ẩn dưới bàn, nhưng cô vẫn quyết chạy ra ngoài.

“Tòa nhà bắt đầu rung lắc, chao đảo”. Tôi mất toàn bộ sự kiểm soát. Rơi vào cơn hoảng loạn. Tôi cố chạy ra khỏi tòa nhà”, Marcy nói với tờ Daily Mail hồi năm 2011.

Cô chạy theo lối cầu thang bộ và tới sảnh của một tòa nhà gần đó, nơi nhiếp ảnh gia Stan Honda bắt gặp và chớp lấy hình ảnh của cô. Marcy cố gắng hít thở trong khi miệng và phổi của cô đặc nghẽn bụi bặm. Một người đàn ông cởi trần đã ôm lấy cô, đưa cô tới nơi an toàn. Sau đó, Marcy cố gắng đón một chiếc thuyền từ Mahattan về New Jersey rồi đi bộ về nhà. Đi được gần chục km, một người phụ nữ tên Janet đã cho cô đi nhờ xe.

Về phần mình, ông Stan nhớ như in giây phút trông thấy một người phụ nữ bị bụi phủ trắng xóa từ đầu tới chân. Trang phục của cô ấy rất đẹp, cổ đeo vòng ngọc trai. “Tôi liền chụp hình cô ấy trước khi một nhân viên cảnh sát hướng dẫn mọi người chạy lên tầng trên an toàn hơn, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp kể lại. Bức hình sau đó trở thành một trong những biểu tượng của thập kỷ, nằm trong danh sách "25 bức ảnh để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất" trên tạp chí Time, thậm chí còn truyền cảm hứng cho ca khúc “Bản ballad của Marcy Borders – một cơn sốt trên mạng Internet.

Stan và Marcy gặp lại nhau vào tháng 5/2002.


Khó khăn nối tiếp khó khăn


Tuy may mắn hơn gần 3.000 nạn nhân thiệt mạng ngày hôm đó, Marcy thoát chết trong cơn đại thảm họa nhưng cuộc sống về sau này của cô lại rất khốn đốn. Người phụ nữ này luôn hoảng sợ, xa lánh mọi người và hiếm khi ra khỏi nhà. Cô một mực tin rằng tên trùm khủng bố Osama Bin Laden đã lập thêm các kế hoạch tấn công khác.

“Tôi đã uống rất nhiều rượu. Cuộc sống dần mất kiểm soát. Tôi không hề đi làm trong gần 10 năm, cho tới năm 2011, tôi hoàn toàn là một đống hỗn độn”. Mỗi lần nhìn thấy máy bay là tôi lại hoảng sợ”, Marcy chia sẻ. Và cô bắt đầu hút ma túy bởi vì không muốn sống nữa. Nhiều ngày không tắm gội, thậm chí người phụ nữ này còn không thể nhận ra mình trong gương.

Marcy và con trai.


Thêm vào đó, Marcy không có khả năng thanh toán các hóa đơn sinh hoạt và không thể chăm sóc con cái. Con gái Noelle chuyển tới sống cùng bố ruột còn Hiệp hội bảo vệ trẻ em thì tới tận nhà cô để đánh giá điều kiện sống của Zay-den, con trai cô.

Sau một khoảng thời gian ngắn đi cai nghiện, Marcy trở nên tỉnh táo hơn và giành lại quyền nuôi hai đứa con. Tháng 8/2014, Marcy phát hiện ra mình bị ung thư dạ dày. Kể từ đó, cô đã trải qua một thời gian điều trị, bao gồm cả hóa trị. Cô tin rằng căn bệnh là do các hóa chất độc hại như amiăng, thủy tinh, thạch cao, chì, vôi… mà cô đã hít phải bên trong tòa tháp đổ. Trước đây, cô không mắc bệnh gì, kể cả huyết áp cao hay máu nhiễm mỡ.

Tính tới tháng 5 năm nay đã có khoảng 3.700 nạn nhân sống sót và những người có mặt tại hiện trường vụ khủng bố năm đó bị chẩn đoán mắc ung thư. Sau nhiều năm đấu tranh, Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2010 đã ký một đạo luật về việc lập quỹ giá 4,2 tỉ USD để chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân vụ khủng bố 11/9.

Hoàng Trang (tổng hợp)